Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Nhân kỷ niệm Ngày châu Âu 9/5, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đã có bài viết về những thành quả của Liên minh châu Âu (EU) và mối quan hệ EU-Việt Nam.

Vào ngày 9/5/1950, năm năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai tàn phá gần như hoàn toàn châu Âu, một vị lãnh đạo châu Âu vĩ đại là Robert Schuman đã trình bày một kế hoạch hội nhập châu Âu mà theo đó "sẽ mang lại cho nền văn minh điều không thể thay thế đối với việc duy trì các mối quan hệ hoà bình". Kể từ đó, việc hội nhập của lục địa này là một thành công vang dội. Châu Âu rõ ràng đang đương đầu nhiều thách thức, nhưng một châu Âu mới ngày nay cũng mang lại những cơ hội tuyệt vời, cho người châu Âu và là một sức mạnh ôn hoà đối với tất cả bạn bè trên thế giới.

Điều này đặc biệt đúng đối với người Việt Nam. Khi thế giới có nhiều tiềm năng, thông qua hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ có thể tạo ra những cơ hội hứa hẹn nhất cho tương lai. Điều này đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục như vậy thông qua mối quan hệ bằng hữu và đối tác độc đáo với châu Âu. Các bạn đã chịu rất nhiều đau thương từ chiến tranh. Nhưng với lòng quả cảm tuyệt vời, các bạn đã vượt qua những bi kịch này và tái kiến thiết đất nước một cách tuyệt vời.

Một số quốc gia thành viên châu Âu đã có mối quan hệ đối tác với Việt Nam hơn 60 năm nay và đã ở bên cạnh Việt Nam trong những thời khắc khó khăn nhất. Một số khác đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 40 năm và các cơ quan của EU là 26 năm. Đồng thời, chúng tôi là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Lúc đầu là hỗ trợ Việt Nam trong những trường hợp khẩn cấp thông qua viện trợ nhân đạo, chúng tôi đã giúp đỡ các bạn tại hầu hết các tỉnh và thành phố của Việt Nam, làm việc với các lãnh đạo trung ương và địa phương để cải thiện điều kiện và dịch vụ công cho công dân Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực quản trị công: Y tế và Giáo dục, Tư pháp, Nông nghiệp và xây dựng Hạ tầng.

Giờ đây, các công ty châu Âu đã đầu tư và kinh doanh với Việt Nam, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế bao gồm có Liên minh châu Âu mà ngày nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của các bạn sau Trung Quốc. Nhiều bậc phụ huynh Việt Nam tự hào vì con cái của họ học tập tại châu Âu. Ngày càng nhiều người Việt Nam du lịch sang châu Âu - một lục đia xinh đẹp, giàu về văn hóa, văn minh với khí hậu tuyệt vời.

Chúng ta đã cùng nhau tạo ra các cơ hội tốt hơn cho tất cả và cho các thế hệ tương lai của cả hai bên. Việt Nam thực sự có rất nhiều bè bạn. Nhưng cho phép tôi nói rằng: Châu Âu là một người bạn đặc biệt và chúng ta phải tự hào về mối quan hệ đối tác không thể thay thế của chúng ta.

Thế giới ngày nay có nhiều tiềm năng nhưng thách thức cũng ngày càng nhiều. Chúng tôi thấy ấm áp khi nhận được rất nhiều tín hiệu của tình bạn và sự quan tâm từ các người bạn Việt Nam của chúng tôi sau các vụ tấn công gần đây tại Paris và Brussels. Nhưng chúng ta hãy không quên: ở ngoài châu Âu, nhiều người đang chịu đau thương từ chủ nghĩa cực đoan mù quáng tương tự trong những điều kiện tồi tệ hơn và các nỗi đau khác như biến đổi khí hậu, huỷ hoại môi trường, bất ổn của nền kinh tế thế giới ảnh hưởng tới thương mại hoặc giá cả các loại hàng hoá mà rất nhiều nông dân ở vùng quê phụ thuộc vào.

Đây là những thách thức lớn cho Việt Nam và cả châu Âu. Trong những năm qua, châu Âu chưa bao giờ thiếu quyết tâm hoặc khả năng để đương đầu trực diện những thách thức này, mặc dù lục địa của chúng tôi đã trải qua những thay đổi lớn. 20 năm trước, chúng tôi chỉ có 15 Nước Thành viên, ngày nay là 28. Hai mươi năm trước, Liên minh châu Âu cơ bản chỉ là một thị trường nội khối với chính sách nông nghiệp và thương mại chung. Ngày nay chúng tôi có Ngân hàng Trung ương châu Âu và đồng tiền mạnh thứ hai của thế giới. Mặc dù chỉ chiếm 7% dân số thế giới, EU đã trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, sản xuất ra 30% của cải của thế giới.

Châu Âu vẫn là trung tâm của khoa học và công nghệ, một nhà sản xuất hàng đầu về các sản phẩm như máy bay và chiếm tới 60% thị trường châu Á, và công nghệ vũ trụ. Châu Âu sẽ sớm triển khai một hệ thống định vị vệ tinh tiên tiến nhất Galileo, được khởi động vào năm 2011 và kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2020 với các dịch vụ tiên tiến nhất cả cho các xã hội và doanh nghiệp tại châu Á. Châu Âu đi đầu trong chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. EU và các Nước Thành viên là những bên đóng góp hào phóng nhất cho tài trợ phát triển toàn cầu; đã là yếu tố then chốt trong việc đạt được Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và thoả thuận về SDGs (Các mục tiêu phát triển bền vững).

Trong vòng 15 năm, EU đã tham gia vào các chính sách đối ngoại và quản lý khủng hoảng. Chúng tôi đã mang lại hòa bình giữa Kosovo và Serbia, đóng góp tích cực vào việc thực hiện một lệnh ngừng bắn ở Georgia, giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở Cộng hòa Nam tư cũ của Macedonia. EU là trưởng đoàn đàm phán của thỏa thuận mới kết thúc gần đây về chương trình hạt nhân của Iran. Kể từ năm 2003, EU đã triển khai hơn 80,000 quân lính và nhân viên trong các lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực Balkan, Cộng hòa Chad và Congo, giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Aceh ở Indonesia và giúp chấm dứt nạn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi.

Đối với nhiều nhà quan sát, những thực tế này có vẻ như bị phủ bóng bởi các tin tức tầm cỡ hơn về các khủng hoảng gần đây mà châu Âu đương đầu. Nhưng người dân Việt Nam và các lãnh đạo của mình biết rõ những triển vọng dài hạn của hội nhập châu Âu và ảnh hưởng ngày càng tăng của chúng tôi nhằm thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu, bao gồm tại châu Á và trong khu vực này một "chương trình nghị sự về thịnh vượng và hoà bình". Điều này đã khích lệ đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên minh châu Âu và ASEAN mà hiện tại đang được xây dựng một cách tích cực, cũng như là hoàn tất với Liên minh châu Âu một "Hiệp định Đối tác và Hợp tác" mà sẽ sớm có hiệu lực và mở rộng quan hệ đối tác của chúng ta sang nhiều lĩnh vực hợp tác.

Ngày nay, các công ty châu Âu là nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN. Đầu tư châu Âu vẫn còn rất thấp so với tiềm năng tại Việt Nam, nhưng là khoản đầu tư đến từ ngoài châu Á lớn nhất trong nước. Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam, sẽ được thực hiện vào đầu năm 2018, chắc chắn sẽ kích hoạt một "làn sóng thứ hai" về đầu tư châu Âu, cho lợi ích của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cũng tập trung vào việc làm cho phát triển của Việt Nam bền vững và thân thiện với môi trường. Chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực năng lượng bằng việc trước tiên là đóng góp giúp đưa điện tới những hộ nghèo nhất. Sau đó chúng tôi sẽ giúp tăng cường cải cách ngành điện để thúc đẩy năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả năng lượng và cơ cấu nguồn năng lượng. Chúng tôi cũng sẽ sớm hoàn tất đàm phán để bảo vệ rừng tại Việt Nam và giúp Việt Nam kiểm sát khai thác và chế biến gỗ. Chúng tôi sẽ đóng góp cho cải cách lĩnh vực tư pháp. Đó là nhiều ví dụ về hỗ trợ của chúng tôi cho Việt Nam thông qua những thành tựu tốt đẹp nhất của chúng tôi.

Người dân châu Âu và Việt Nam mong muốn có các xã hội công bằng, tự do và thịnh vượng, và các mối quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp. Cũng như đối với các công dân tự do và có trách nhiệm trong xã hội, cộng đồng thế giới phải được kiến tạo từ các quốc gia tự do, bình đẳng và có trách nhiệm được pháp quyền quốc tế bảo vệ. Liên minh châu Âu không ngừng lên tiếng chống lại việc sử dụng bạo lực và kêu gọi giải quyết thông qua thương lượng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong khi chúng tôi kỷ niệm "Ngày châu Âu", chúng tôi mong muốn rằng hội nhập chính trị của lục địa châu Âu thông qua Liên minh châu Âu sẽ khẳng định châu Âu là một sức mạnh ôn hoà, mang lại những cơ hội tuyệt vời cho tương lai và cho tất cả bạn bè trên thế giới. Đây là mong muốn đặc biệt của chúng tôi cho người dân Việt Nam mà chúng tôi yêu mến và sẽ ủng hộ không ngừng. Tình bạn và quan hệ đối tác của chúng ta là một nét đẹp sáng ngời và những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta dành cho tương lai, tương lai của chúng ta, ở châu Á và châu Âu.

Đại sứ Bruno Angelet (Theo Dantri)