Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên (1960), đến nay đã được Quốc hội sửa đổi 7 lần (1964, 1980, 1992, 1997, 2001, 2010 và 2015). Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã kế thừa và phát triển các quy định trong các luật bầu cử hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Hiến pháp mới, khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hoá một số nội dung trong hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Luật gồm 10 chương với 98 điều.

Chương I từ Điều 1 đến Điều 6 quy định về nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử và tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; ngày bầu cử; kinh phí tổ chức bầu cử.

Điểm mới trong luật này là trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện như trước đây. Ngày bầu cử công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (luật cũ là 105 ngày).

Chương II từ Điều 7 đến Điều 11 quy định về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu.

Điểm mới trong luật là số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Cùng với đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; số người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Chương III từ Điều 12 đến Điều 28 quy định về Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia là một thiết chế hiến định mới trong Hiến pháp 2013. Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Quốc hội thành lập (luật cũ gọi là Hội đồng Bầu cử ở Trung ương do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập) có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Chương này cũng quy định về cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các uỷ viên và bộ máy giúp việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; quy định về cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Chương IV từ Điều 29 đến Điều 34 quy định về danh sách cử tri: nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xoá tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu ở nơi khác.

Điểm mới là mở rộng cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chương V từ Điều 35 đến Điều 61 chia làm 4 mục: ứng cử; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND và mục về danh sách những người ứng cử.

Chương VI từ Điều 62 đến Điều 68 quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử.

Chương VII từ Điều 69 đến Điều 72 quy định về nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu. Luật giữ nguyên quy định về thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày (luật cũ là không quá 10 giờ tối). Quy định này nhằm đảm bảo kết quả kiểm phiếu của các khu vực bầu cử không tác động đến việc bầu cử của khu vực bỏ phiếu khác.

Chương VIII từ Điều 73 đến Điều 88 quy định về kết quả bầu cử, gồm 4 mục: việc kiểm phiếu; kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử; bầu cử thêm, bầu cử lại; và tổng kết cuộc bầu cử.

Chương IX từ Điều 89 đến Điều 94 quy định về bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Chương X từ Điều 95 đến Điều 98 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử, quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Những nơi thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, luật này có quy định riêng đối với việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Lê Phước Ngưỡng