Kỳ nghỉ lễ vừa rồi, có dịp về thăm quê, tôi thật sự bất ngờ khi đứa cháu đang ôn thi đại học hỏi: “Cậu ơi, sao cậu lại chọn nghề báo. Tôi cười bảo tại cậu thích làm nhà báo. Cháu tôi ngẫm nghĩ một lát, rồi hỏi: Vậy cậu nghĩ thế nào nếu cháu chọn ngành sư phạm Toán? Tôi bảo, cháu hãy trả lời câu hỏi, mình có thích công việc đó, có đủ sức vào trường đó không và liệu sau này gặp khó khăn, có dám trả giá cho sự lựa chọn này không? Nếu trả lời được những câu hỏi đó thì ngại gì mà không sống cho đam mê. Cháu đắn đo, hỏi lại: Nhưng khi hỏi thầy chủ nhiệm thì thầy khuyên: Đừng chọn ngành đó, ra trường khó xin việc lắm, mà nếu có thì khó mà ở lại thành phố được. Tôi bảo, thầy giáo nói là có cái lý của thầy. Đúng là thời buổi giờ không phải cứ học ra là xin được việc. Đương nhiên, chọn ngành nghề, ngoài cân nhắc sở trường, của bản thân còn phải lưu ý đến cơ hội tìm việc làm, nhu cầu nhân lực của địa phương trong tương lai… Nhưng nếu bảo ngành nào khó hay dễ xin việc thì khó chính xác lắm, chỉ cần học tốt thì ngành nào cũng dễ xin việc. Ngành nào chẳng cần người tài giỏi.

Một đứa bạn của cháu tôi chia sẻ: Năm trước rớt đại học, cháu đi học nghề nấu ăn. Ban đầu không thích lắm nhưng sau đó thì mê luôn. Bây giờ mẹ cháu bắt phải có bằng đại học, vì bảo nghề nấu ăn chẳng có gì đáng tự hào, mà cháu thì không muốn bỏ nghề nấu ăn. Tôi trả lời: Cháu đã chọn đúng nghề nên mới có những cảm xúc như vậy. Chuyện học nữa để nâng cao trình độ cũng rất cần, vì sự học cần cho tất cả các ngành nghề, nghề nào cũng cao quý. Nhiệm vụ của cháu bây giờ là phải thu xếp làm sao vẫn tiếp tục học mà không từ bỏ đam mê, hãy trở thành đầu bếp giỏi để thỏa ước mơ và không phụ kỳ vọng của mẹ.

Câu chuyện với đứa cháu cứ đeo đẳng tôi suốt quãng đường trở về nhà ngót nghét năm mươi cây số. Tôi thầm nghĩ, thế giới việc làm giờ đã mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều. Do đó, những người học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học.

Có một thực tế là rất ít bạn trẻ tự trả lời được câu hỏi: “Học để làm gì?” khi đang ngồi trên ghế nhà trường? Bởi, hiện có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành đào tạo, nhiều sinh viên sau nhiều năm “dùi mài kinh sử” không kiếm được việc làm. Không ít bạn trẻ vì đặt nặng giá trị kinh tế nên chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp yêu thích để lựa chọn một ngành học khác với suy nghĩ ngành học này ra trường dễ xin được việc và có thu nhập cao hơn. Một số khác vẫn giữ quan niệm xưa cũ, lạc hậu như cho rằng nghề đào tạo ở bậc đại học thì dễ xin việc hơn bậc trung cấp. Nhiều bạn trẻ còn cảm thấy xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp hay ở những cơ sở đào tạo nghề.

Chọn nghề theo sự thành công của người thân cũng là một trong những sai lầm thường gặp. Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi. Các em cho rằng việc học mới quan trọng, học càng tốt thì càng có nhiều cơ hội thi vào các trường đại học mà không hiểu rằng khả năng học tập chỉ là điều kiện ban đầu, còn sau này khi ra trường có phát huy được những kiến thức đã học hay không lại cần có sự phù hợp giữa yêu cầu nghề nghiệp, năng lực, phẩm chất và sở thích của các em.

Phong Thư