Theo cáo trạng, lời khai của bị cáo, các bị hại, những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, nội dung vụ án như sau: Ngô Ngọc Văn là cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế, được giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý, lưu trữ hồ sơ mua bán nhà chung cư, nhà liền kế, nhà riêng lẻ; Soạn thảo hợp đồng mua bán nhà để tham mưu cho lãnh đạo ký kết với các hộ dân đủ điều kiện; bàn giao nhà cho các hộ dân khi những hộ này được bố trí giao nhà; đôn đốc việc trả nợ, trực tiếp gửi giấy thông báo thu nợ đến các hộ dân…

Lợi dụng việc quản lý các căn hộ còn trống và việc lưu trữ hồ sơ mua bán nhà chung cư, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2014, Văn đã có thủ đoạn gian dối làm giả 18 hợp đồng thuê mua nhà ở chung cư để lừa bán 20 căn hộ cho 21 người, chiếm đoạt tiền. Cụ thể: Văn lấy hợp đồng thuê mua nhà ở chung cư do mình đang lưu trữ để lấy tờ cuối cùng có chữ ký của Giám đốc và dấu của trung tâm, nhưng bên mua chưa ký. Sau đó Văn in trong máy tính ra 1 bộ hợp đồng mẫu (chỉ lấy 4 trang đầu). Văn ghép tờ cuối cùng của hợp đồng thật với 4 tờ đầu của bộ hợp đồng mẫu rồi viết các thông tin của người cần mua vào hợp đồng và phụ lục. Văn lấy con dấu của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế để đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng, tạo thành một hợp đồng như thật (nên người bị hại không mảy may nghi ngờ). Ngoài ra, Văn còn lấy các hợp đồng thật do mình lưu trữ để lừa bán các căn hộ cho bị hại, chiếm đoạt tổng số tiền 1,69 tỷ đồng.

Đồng thời, Văn còn lợi dụng sự tin tưởng của 9 bị hại khác, chiếm đoạt của họ tổng cộng 40 triệu đồng. Những bị hại này nhờ Văn nộp tiền mua trả góp căn hộ chung cư vào Kho bạc Nhà nước TP. Huế. Văn không nộp vào kho bạc mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân. Với những hành vi lừa đảo, gian dối trên, Văn bị truy tố, xét xử về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong lúc bị cáo cúi đầu trước vành móng ngựa, thừa nhận các hành vi phạm tội, đồng thời khai số tiền chiếm đoạt được đã tiêu xài hết, gương mặt những người bị hại càng lúc càng nhợt nhạt, thất thần, hằn nỗi âu lo... Một đôi vợ chồng đều là giáo viên - bị hại trong vụ án buồn rầu kể, hai con còn nhỏ nên đồng lương nhà giáo khéo lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Sau 10 năm kết hôn, vợ chồng con cái vẫn ở nhờ nhà ngoại. Nhà chật, đông người, cuộc sống khó khăn, bất tiện. Vậy nên khi nghe Văn thông tin có một căn hộ ở khu chung cư Hương Sơ cần bán gấp với giá 100 triệu đồng, vợ chồng mừng lắm, vay mượn khắp nơi, định bụng có một nơi “an cư” rồi sẽ tích cóp trả dần. Khổ chủ vừa cầm chìa khóa nhà (do Văn trao), nhưng chưa kịp vào ở “nhà của mình” thì Văn bị bắt. Ngôi nhà bị kê biên. Nhiều bị hại khác thì đã sửa sang, vào ở. Hay tin Văn bị bắt, vỡ lỡ cơ sự, họ dở khóc dở mếu. Nhà mình bỏ tiền ra mua nhưng hóa ra chẳng phải của mình. Bây giờ bị cáo đã tiêu xài hết tiền, chẳng có tài sản gì, lại phải đi tù thì lấy đâu ra tiền để trả lại, dù tòa có buộc bồi thường.

Phát biểu ý kiến trước Hội đồng xét xử, nhiều bị hại mong muốn được tiếp tục ở. Một bị hại lớn tuổi: “Nhà tui 10 người, ở đó ổn định đã 2 năm nay. Nếu ủy ban lấy lại nhà, chúng tôi biết đi đâu để ở”. Một nữ bị hại đang mang thai: “Tôi gần đến ngày sinh nở, không thể dọn đi ở chỗ khác. Tôi xin tòa cho được tiếp tục ở lại”. Hội đồng xét xử: “20 căn hộ trên do UBND TP. đầu tư, nên tòa không có quyền định đoạt mà giao lại cho ủy ban xem xét giải quyết, có thể bán hoặc không bán các căn hộ này cho các bị hại”. Nghe tòa giải thích như vậy, những bị hại chỉ biết thở dài.

Khi tòa hỏi về trách nhiệm quản lý, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (đơn vị bị cáo từng công tác) “trần tình”, mỗi năm trung tâm có 2 đợt kiểm tra định kỳ vào tháng 2 và tháng 10. Hai đợt kiểm tra vào tháng 10/2013 và tháng 2 năm 2014, không có gì bất thường, nhưng Văn lợi dụng khoảng cách thời gian giữa hai đợt kiểm tra để thực hiện hành vi phạm tội. Đến tháng 10, khi cơ quan đến đợt kiểm tra, cũng là lúc Văn sa lưới pháp luật. Giám đốc trung tâm và trưởng bộ phận quản lý nhà đất, sau đó đều bị hình thức kỷ luật. Tòa nghiêm khắc: “Các ông cần xem xét lại, thắt chặt công tác quản lý. Chỉ vì các ông buông lỏng, giao việc cho nhân viên nhưng không kiểm tra, nên bị cáo mới có cơ hội lừa đảo, đẩy biết bao gia đình vào cảnh lao đao. Đây là bài học quá đau lòng...”

Duy Trí