Bộ trưởng Cao Đức Phát ân cần thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân
Tham gia chuyến kiểm tra có các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.
Mong mỏi…
Tại Cảng cá Thuận An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và lãnh đạo tỉnh đã tiếp xúc trực tiếp với ngư dân, các chủ tàu dịch vụ thu mua hải sản xa bờ, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tại đây, người dân bày tỏ những khó khăn trước tình hình cá chết bất thường trong thời gian qua. Ngư dân La Văn Lội, chủ tàu đánh bắt trung và gần bờ (khoảng 25 hải lý trở vào) ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An tâm sự: “Đã gần tháng rưỡi nay, tàu nằm bờ vì hải sản đánh bắt không bán được, một phần nguồn lợi hải sản gần bờ không dồi dào như trước. Đời sống gia đình hiện nay đang gặp khó khăn, nợ ngân hàng khoảng 150 triệu đồng (sửa chữa tàu, mua máy móc, ngư cụ) giờ không biết lấy đâu ra để trả”.
Cá đánh bắt xa bờ đảm bảo an toàn
“Cả tháng nay kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá biển chết trôi dạt vào bờ, người dân không ăn cá biển, hải sản rất khó bán, giá lại thấp nên tàu của gia đình tôi (đánh bắt 25 hải lý trở vào) chỉ đi biển được 3 ngày. Chủ tàu như tôi bị thiệt hại đã đành, các bạn thuyền cũng phải “ngồi chơi xơi nước”, đời sống gia đình họ gặp nhiều khó khăn. Nếu tình hình tiêu thụ hải sản khó khăn, tàu nằm bờ dài dài thì các thuyền viên có thể sẽ chuyển sang nghề khác làm ăn. Mong rằng cấp trên có sự hỗ trợ kịp thời cho ngư dân vượt qua khó khăn, yên tâm bám biển”, ông Mai Dũng ở thị trấn Thuận An tiếp lời.
Các hộ nuôi cá trên đầm phá ven biển ở thị trấn Thuận An cũng bày tỏ khó khăn trước sự việc cá chết bất thường, đột ngột. “Từ khi có hiện tượng cá chết bất thường, cá nuôi tại địa phương chỉ chết lai rai, nhưng mấy ngày qua đột nhiên chết hàng loạt. Các loại cá nuôi bị chết đều có giá trị kinh tế cao, như cá mú, hồng, chẽm, dìa… Nhiều hộ ở thôn Hải Tiến bị thiệt hại nặng, không có khả năng để tái đầu tư sản xuất. Nguyện vọng của người dân lúc này là cấp trên sớm có chính sách hỗ trợ mua con giống, thức ăn để có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống”, đó là tâm tư của bà Nguyễn Thị Hoa đại hiện cho người dân thị trấn Thuận An có cá nuôi bị thiệt hại.
Đại diện lãnh đạo Cảng cá Thuận An thông tin, ảnh hưởng hiện tượng cá chết bất thường thời gian qua khiến sản lượng đánh bắt bị sụt giảm khoảng 31% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do hải sản không tiêu thụ được, tàu thuyền nằm bờ kéo dài. Các hạng mục tại cảng hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, quy mô hạn chế, hệ thống xử lý nước thải, môi trường không đảm bảo; trong khi số lượng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ ngày càng tăng. Lãnh đạo cảng kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần quan tâm, đề xuất Trung ương sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng Cảng cá Thuận An đáp ứng yêu cầu neo đậu, tránh trú bão...
Nhà nước quan tâm, hỗ trợ
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngư dân cần yên tâm vươn khơi, bám biển; người dân yên tâm sử dụng, tiêu thụ hải sản an toàn. Hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra đều ăn được, người dân không nên lo ngại. Các bộ, ngành cũng đã quan trắc môi trường nước biển, mẫu cá đều cho kết quả an toàn. Sáng kiến của tỉnh Thừa Thiên Huế là cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn làm cơ sở, điều kiện để người dân yên tâm sử dụng. Các sở, ngành liên quan của tỉnh cần phát huy cách làm này. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền các loại hải sản an toàn để người dân yên tâm tiêu thụ.
Theo Cục An toàn Thực phẩm-Bộ Y tế thông báo kết quả lấy mẫu và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với hải sản tươi sống tại Thừa Thiên Huế tính đến ngày 3/5 là đảm bảo an toàn, các chỉ tiêu xét nghiệm đều ở mức cho phép. Trước đó, từ ngày 1/5 đến 3/5, cơ quan chức năng của tỉnh đã lấy 17 mẫu cá gửi Cục An toàn thực phẩm kiểm nghiệm mức độ an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. |
Trả lời các kiến nghị của người dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin, Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất… cho dân. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới ký Quyết định số 772 QĐ-TTg, ngày 9/5/2016 về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ giống để tiếp tục thả nuôi; khi tái nuôi người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng, cán bộ để được tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi an toàn, hiệu quả.
Ngoài hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các hộ bị thiệt hại, ảnh hưởng, Chính phủ còn hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu không lắp máy, hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ, vùng lộng do tạm ngừng ra khơi đánh bắt. Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào thuộc vùng biển từ các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, khi cơ quan chức năng xác nhận không an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị sản lượng; đồng thời hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường…
Các kiến nghị của lãnh đạo Cảng cá Thuận An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hứa sẽ phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế bàn kế hoạch, phương án đầu tư xây dựng cảng cá một cách phù hợp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã tặng quà cho các hộ gia đình ở thị trấn Thuận An bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng hiện tượng cá chết thời gian qua.
Cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát và lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra, nắm bắt tình hình tại một số xã ven biển trên địa bàn tỉnh về hiện tượng cá chết bất thường.
Bài, ảnh: Hoàng Triều