Thi công tại tuyến đường lên A Lưới từ km 25 đến km 78

Loại hình lao động đặc thù

Theo chân một đốc công, tôi đến đoạn đường lên A Lưới từ km 25 đến km 78 đang được Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình 2 sửa chữa, gia cố. Hơn 10 công nhân đang chuyển những xe đá dăm rải lên những đoạn đường được làm sạch dài gần 300 mét. Anh Nguyễn Đăng Thanh, quản lý công trình cho biết, sở dĩ hôm nay công nhân không nhiều vì thời tiết còn âm u nên chưa dám nấu nhựa mà chỉ tranh thủ rải đá. Qua câu chuyện của anh thì việc xúc, đẩy những xe đá dăm xem ra có vẻ nhẹ nhàng với họ. Một nữ công nhân đầu đội nón lá, mặt bịt khẩu trang kín kể: “Hôm nào trời có giông, dù buổi trưa nắng đến mấy cũng phải tăng ca để kịp rải nhựa trước khi trời mưa”. Công trình của họ là những tuyến đường chạy dài khắp nơi, có khi là những đoạn quốc lộ rộng thênh thang, lưu lượng xe cộ lưu thông liên tục khiến mọi người càng chịu nhiều áp lực. Không ít trường hợp công nhân ngất xỉu khi đang làm việc do say nắng, cảm nắng. Ở những tuyến đường hoang vắng, xa khu vực dân sinh, hay những tuyến giao thông nông thôn… đội quản lý yêu cầu họ sống tập trung trong lán trại dựng tạm. Điều kiện sống thiếu thốn nhiều thứ, thiếu điện đã đành, thiếu nước sinh hoạt lại càng khổ hơn, có khi phải lấy nước từ khe suối không đảm bảo vệ sinh để nấu nướng. Đối với công nhân nam đã không dễ dàng gì, phụ nữ càng vất vả hơn. Chị Nguyễn Thị Mùi, ở phường Trường An, một mình nuôi hai con nhỏ, mỗi lần theo công trình phải gửi con cho họ hàng, chị thở dài: “Gần con không tìm được việc, không đủ ăn cũng khổ, đi xa thường xuyên không quản lý được con cũng khổ. Thôi thì sức mình lo được đến đâu thì lo”. Như thế chưa đủ, hàng đêm họ còn phải đối diện với nguy cơ bị côn trùng như rắn, rết, nhện, chuột, vắt… cắn. Anh Nguyễn Văn Nguyện, công nhân đang thi công tại tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Hồng Thủy (A Lưới) cho biết, anh từng bị rết cắn, bắp chân sưng tấy suốt mấy ngày. Những lần như thế rất sợ, nhưng công việc này đang giúp anh phụ vợ nuôi các con nên không thể bỏ việc.

Bữa ăn của công nhân làm đường cũng không mấy khi đủ dinh dưỡng. Nhất là công nhân ở các công trình xa, mỗi lần đi chợ không dễ, chi phí không nhiều nên phải chọn mua các nguyên liệu rẻ tiền, cùng lắm cũng đảm bảo no chứ chưa có bữa ăn ngon. Nhiều người mới đi làm cũng nhụt chí trước những khó khăn, nhưng rồi gánh nặng mưu sinh cũng giúp họ quen dần.

Không có chế độ ưu đãi

Loại nhựa dùng để rải thảm mặt đường phải được nung dưới nhiệt độ từ 200 đến 3000C, nhưng công nhân làm đường vẫn thoăn thoắt, nhịp nhàng với những xẻng đất, đá; áp mặt vào bếp khơi lửa, vẫn lia những gáo nhựa đường vừa tan chảy xuống mặt đường…

Phơi mình dài ngày dưới nhiệt độ trên dưới 400C, nhưng bảo hộ lao động trang cấp cho công nhân làm đường không đủ chống nắng. Phụ nữ thường tự trang bị thêm mấy lớp găng tay, khẩu trang, áo chống nắng loại dày; một vài công nhân nam không chịu nổi, có khi cởi trần làm việc khiến da sạm đen. Nhiều người tìm chỗ căng bạt khi thi công trên các tuyến quốc lộ, nhưng không cải thiện mấy vì phải làm việc liên tục ngoài trời. Thu nhập của họ chừng 7 triệu đồng/tháng, tùy mức độ công việc.

Phụ thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, yêu cầu thông đường nên tiến độ thi công trên các tuyến đường luôn gấp rút, phải tăng ca thường xuyên. Theo chị Mùi, chịu nắng cả ngày tuy vất vả, nhưng có thu nhập bù cho những ngày mưa gió thì phải chịu khó mới yên tâm được.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nguyễn Khoa Hoài Hương trăn trở: “Công nhân làm đường là loại hình lao động đặc thù, hàng ngày họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp với nhiều loại khí độc, khả năng mắc bệnh cao. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng với đối tượng này cần sự quan tâm của các cấp chính quyền.”. Bà Hoài Hương cho biết thêm, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có chính sách phù hợp cho loại hình lao động đặc thù này.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN