Ở Việt Nam, lát hoa thường phân bố tự nhiên ở các tỉnh bắc miền Trung và miền Bắc, từ Lạng Sơn đến Hà Tĩnh và hiện nay được trồng làm cây bóng mát hoặc trồng thành rừng kinh tế ở một số nơi.

Ở Huế, trước đây tại công viên Thương Bạc, góc cạnh cầu Trường Tiền có 2 cây lát hoa cây trưởng thành, cao cả chục mét và đường kính thân cũng đã ngót 30 cm, nhưng do vị trí đứng không phù hợp, bản thân cây ưa sáng nhưng bị chèn ép, tranh giành ánh sáng bởi những cây chung quanh, lại không được quan tâm chăm sóc khiến cây nghiêng dần, cong vênh, lệch tán, nên đã bị chặt hạ cách đây vài năm. Hiện nay, ở đường Phùng Hưng, trước khuôn viên Trường đại học Nông Lâm, hàng cây lát hoa do Khoa Lâm nghiệp trồng đã khép tán, là những cây lát hoa điển hình của hệ thống cây xanh đô thị của thành Huế.
Có thể trồng cây lát hoa cho nhiều mục đích khác nhau: trồng rừng kinh tế, làm đai phòng hộ che chắn cho các trang trại cây ăn quả chuối, ổi, cam chanh…, làm đai bao để phát triển bền vững vườn hộ và đặc biệt là tận dụng khả năng tỏa bóng và ngoại hình tán lá đẹp để thiết kế trồng làm cây tôn tạo cảnh quan, cây xanh đô thị. Do khi trưởng thành, cây có bạnh khá lớn nên chịu được gió bão tốt, khá thích hợp với những tỉnh, thành thường xuyên có gió bão vào mùa đông, nhất là khu vực miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, cũng do gốc có bạnh nên chỉ thích hợp với những vỉa hè rộng hoặc trồng trong công viên, khuôn viên công sở.
 
Lát hoa cho gỗ đẹp, từ màu sắc đến thớ và vân gỗ, nên rất được ưa chuộng. Gỗ lát hoa được dùng đóng đồ trang trí nội thất, đồ dùng gia dụng và cả đồ mộc mỹ nghệ. Nhựa cây màu vàng trong suốt có thể dùng pha trộn với nhiều loại nhựa khác để sử dụng. Hoa chứa chất nhuộm màu vàng và đỏ có thể nghiên cứu làm chất màu thực phẩm. Lá non và vỏ thân chứa khoảng 15-22% ta-nanh có thể tận dụng cho y học hoặc nhuộm sợi vải. Trong Y học, người ta dùng vỏ như một chất gây se mạnh và thường dùng để hạ sốt.
Theo một số tài liệu thì lát hoa thường mọc trên chân đất thoát nước tốt, ở độ cao 300-800 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm từ 2-43 oC, lượng mưa 1.800-3.800 mm. Trước đây cũng có người cho rằng ở Việt Nam, lát hoa chỉ mọc tốt ở những vùng núi đá vôi cao. Tuy thế, trong thực tế của nhiều năm trở lại đây, cây lát hoa đã được đựa trồng trên nhiều chân đất khác nhau, từ đất thịt, thịt pha, cát pha, thậm chí trên vùng đất cát nghèo dinh dưỡng ở độ cao dưới 100 m, vẫn thấy cây sinh trưởng, phát triển khá tốt. Khi dẫn giống cần biết thêm rằng lát hoa là một loài thuộc họ Xoan (Sầu đông) – Meliaceae, với tên khoa học là Chukrasia tabularis.
Như vậy, đây là một nguồn gen quý cần được nghiên cứu bổ sung cho hệ thống cây xanh đô thị, không chỉ cho các khu đô thị có nền đất thịt hoặc thịt pha mà cả cho các khu đô thị vùng cát của Thừa Thiên Huế như các thị trấn Sịa, Phú Đa. Đó là việc làm có ý nghĩa “một công đôi việc”, vừa phục vụ cảnh quan vừa góp phần bảo tồn một nguồn gen có giá trị.

Đỗ Xuân Cẩm