Theo diễn giả Thanh Tùng, nếu nghĩ học vì ba mẹ, thầy cô, người thân thì học sẽ rất khác, nhưng khi biết mục đích của việc học tập không phải như vậy thì sẽ học khác. Học là học suốt đời, bởi 12 năm học phổ thông là học để làm người, 4 năm học đại học để làm nghề, ra trường cưới chồng cưới vợ thì học làm vợ, làm chồng, học để đối nhân xử thế, học làm dâu, làm rể, học làm... sếp, rồi thì học cách làm ông, làm bà để dạy cháu,... “Hãy mở khai suy nghĩ ra vì càng lớn lên, bạn sẽ càng thấy có quá nhiều cái để học”, diễn giả Thanh Tùng nói.

Sinh viên học và tham khảo sách chuyên ngành tại Trung tâm Học liệu - Đại học Huế

Đề ra mục tiêu cụ thể

Giải thích lý do vì sao học thì nhiều khi rất... buồn ngủ mà chơi game hay xem phim lại cảm thấy hào hứng, diễn giả Thanh Tùng cho rằng đó là do nhiều bạn trẻ chưa biết cách học say mê ... như thể chơi game. Chơi game có lên level (cấp) nên kích thích người chơi; học cũng vậy, học cũng phải như chơi game mới học tốt được, nghĩa là phải ngày càng giỏi hơn, đạt mục tiêu ngày càng cao hơn. Cách học say mê là học phải có mục tiêu - tức hướng hết tâm hồn mình vào mục tiêu đó và bí kíp để học tập say mê mà diễn giả Thanh Tùng đưa ra là: suy nghĩ một cách thông minh (smart) và viết ra mục tiêu một cách cụ thể chứ không phải là mục tiêu chung chung. Mục tiêu đặt ra phải thực tế, phải thực với năng lực nhưng cũng phải cao hơn năng lực của bạn ở chừng mực nào đó để bạn phải phấn đấu đạt được. Bạn cũng phải đặt ra thời gian thực hiện mục tiêu ngắn hạn, dài hạn là trong bao lâu. Nhìn xa nhưng phải phân ra từng đoạn cho dễ đi.

Học có mục tiêu cụ thể (chẳng hạn như cuối học kỳ này sẽ đạt điểm số như thế nào, cuối năm đạt loại gì, khi nào thì thi IELTS đạt mấy chấm...) thì mỗi người mỗi khác. Khi đó học mới hứng thú để ngày càng đạt mức cao hơn, như kiểu lên level trong game vậy. Sở dĩ phải viết ra vì trong đầu có đặt ra mục tiêu mà không viết ra thì mục tiêu đó cũng mờ mịt và viết ra cũng chính là cam kết với mọi người rằng mình có mục tiêu đó và sẽ cố gắng thực hiện bằng được. “Hãy viết mục tiêu của mình lên mảnh giấy nhỏ rồi dán đầy nhà để ngày nào cũng nhìn thấy thì tự động bạn sẽ phấn đấu thực hiện bằng được và truyển tải cái này đi rất xa”, diễn giả Thanh Tùng đưa ra lời khuyên.

Để học có hứng thú thì phải đặt ra mục tiêu cụ thể (trong ảnh sinh viên học bài và tham khảo sách chuyên ngành tại Trung tâm Học liệu - Đại học Huế)
 

Học nhiều sẽ khùng?

“Nhiều bạn trẻ hỏi tôi vậy cứ học, học mãi, học nhiều quá chắc em... khùng mất?! Tôi sẽ chỉ cho bạn cách học nhiều mà... không điên, không khùng”, diễn giả Thanh Tùng nói. Cách học mà ông chỉ ra là sử dụng cả hai bán cầu não trái và phải. Nhiều bạn học xong mệt mỏi lại giải trí bằng cách chơi game, đánh bài,... Đây là sai lầm bởi làm cho bán cầu não trái càng mệt hơn. Thay vào đó, bạn hãy chơi một loại nhạc cụ nào đó, bởi khi chơi nhạc bạn sẽ sử dụng bán cầu não phải. “Não con người có đến hơn 100 tỉ nơron thần kinh, một người bình thường chỉ sử dụng khoảng 1/100 tỉ nơron thần kinh; chỉ những người rất đặc biệt mới sử dụng nhiều hơn con số này và người sử dụng nhiều nhất là nhà bác học thiên tài và kiệt xuất trong lịch sử phát triển nhân loại Albert Einstein mới sử dụng 16/100 tỉ nơron thần kinh. Càng học, bạn sẽ càng thông minh, hãy xài cho hết bộ não của mình và đừng sợ... khùng! Ngựa hay là ngựa chạy đường dài. Hãy giữ nhiệt huyết và niềm tin vào mục tiêu mình đặt ra. Học Anh văn chẳng hạn, mỗi ngày chỉ cần học 30 phút thôi, 3 tháng sau trình độ Anh văn sẽ khác”.

Một phương pháp học tập hiệu quả nữa mà diễn giả Thanh Tùng chia sẻ với các bạn trẻ là lập thời khóa biểu cho các buổi sáng, chiều, tối. Giờ nào cảm thấy thích học nhất, học “vào” nhất thì khoanh tròn vào đó để học môn khó, giờ nào học ít hứng thú hơn thì dành để học môn mình thích. Học không phải liên tục trong nhiều giờ mà cứ học 45- 60 phút nên nghỉ 5 phút để uống nước, hít thở sâu và vận động nhẹ để làm tim đập nhanh, ôxy được đưa vào máu nhiều, giúp con người cảm thấy tỉnh táo. Phương pháp học này sẽ giúp bạn có thể học lâu mà không cảm thấy mệt mỏi.

“Mỗi người đều có 24 tiếng trong một ngày. Đừng nói là bạn không có thời gian mà các bạn có rất nhiều. Đừng đổ vì cái này cái kia nên mình không thực hiện được mục tiêu đặt ra. Có vị giáo sư bị liệt nửa người nhưng vẫn lừng danh, Nick Vujicic là người khuyết tật không có tay chân nhưng vẫn trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới. Bạn hạnh phúc hơn những người đó nhiều. Cuộc đời luôn có nhiều thách thức và bạn phải thách thức nó. Đừng dựa dẫm vào ai mà phải đi bằng chính đôi chân, phải sống bằng chính “thương hiệu” của mình”, diễn giả Thanh Tùng nói.

Bài, ảnh: THANH VÂN