Nail art đòi hỏi người vẽ phải có tư duy sáng tạo

Khéo léo, tỉ mẩn

Trịnh Võ Mỹ Linh (24 tuổi), người có thâm niên gần 10 năm theo đuổi niềm đam mê với cọ, sơn màu. Linh đến với nghề này từ những năm học cấp 2, khi ấy nail art chỉ là một cụm từ lờ mờ trong tâm trí chứ không phổ biến như bây giờ. Linh học nghề ở Hà Nội, năm 2012, vào Huế mở trung tâm dạy nail art cho giới trẻ Huế, một phần thỏa niềm đam mê, phần khác muốn truyền môn nghệ thuật mới mẻ này đến công chúng. “Vì đam mê từ nhỏ, hết cấp 2, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em nghỉ học và theo nghề này. Khi ấy, trang trí móng chưa nở rộ như bây giờ. Với nghề này, những người có hoa tay, cần cù thì chỉ học vài tháng, cùng lắm là một năm là có thể thành thạo, tuy nhiên để thực sự tạo ra một bộ móng mang tính nghệ thuật đòi hỏi thời gian khá lâu”, Linh chia sẻ.

Mặc dù ai theo nghề này và dạy nghề đều có thâm niên trên dưới 10 năm nhưng khi hỏi về nghệ thuật vẽ móng gồm những dạng gì họ đều lắc đầu bởi lẽ nail art có sự biến chuyển theo từng thể loại, tùy vào tâm lý, yêu cầu khách hàng mà người thợ đưa ra những mẫu vẽ phù hợp; mỗi mẫu có một quy trình, dạng vẽ khác nhau. Trần Thị Nhung (26 tuổi, chủ trung tâm nail Nhung) bảo rằng: “Khó có thể nói hết vì nghệ thuật vẽ móng muôn hình vạn trạng, tùy thuộc vào tư duy hình mẫu hay sự khéo léo của người vẽ mà cho ra những “sản phẩm” khác nhau, mỗi “sản phẩm” có một quy trình nhất định. Nail art có hai loại, loại cơ bản và nâng cao. Trong vẽ cơ bản có vẽ cọ kim, vẽ cọ bản, vẽ cọ nét, vẽ có nổi…; vẽ nâng cao gồm, vẽ cọ 3D, vẽ màu nước, vẽ cọ gel tròn hay painting, fantasy. Hiện nay, vẽ 3D đang trở thành “mốt” với các thiết kế chi tiết như đắp bột, đắp gel, sơn gen”.

Nói đến nail art ngoài yếu tố chủ quan của người vẽ, mẫu vẽ và dụng cụ đóng vai trò quan trọng. Có hàng chục thậm chí hàng trăm mẫu vẽ khác nhau, mỗi mẫu vẽ tương ứng với một dụng cụ, chất liệu riêng biệt. Đối với những người mới vào nghề, mẫu vẽ như “cứu cánh” giúp họ định hình được phương thức tạo ra một bộ móng đảm bảo tính nghệ thuật. Bên cạnh đam mê, người thợ cần có sự khéo léo, tỉ mẩn của đôi bàn tay và đặc biệt là lòng kiên nhẫn. “Hiện nay, có rất nhiều mẫu vẽ khác nhau giúp những ai mới bước vào nghề định hình được cách vẽ, tư duy hình mẫu. Để làm đúng, chuẩn xác thì cần nhẫn nại vì nghề này cần một kiến thức mỹ thuật, cảm quan nhất định”, Nhung nói.

Cách điệu

Theo những người làm nghề vẽ móng tay, để hoàn thành bộ móng không khó, tuy nhiên tạo ra những bộ móng có tính nghệ thuật cao không phải ai cũng làm được. “Nếu vẽ các loại hoa, mẫu hoạt hình thì rất dễ nhưng làm bật lên thần thái của mỗi bông hoa, mỗi hình mẫu thì không phải ai cũng làm được. Trong các loại hoa, có lẽ hoa hồng là khó vẽ nhất bởi có nhiều cánh hoa xếp lớp, tượng trưng cho tình yêu. Người vẽ cần phải làm thế nào để thể hiện cái “tinh thần” tình yêu trong mỗi cánh hoa và để ý những chi tiết nhỏ nhất như giọt sương hay cái gai. Móng tay rất nhỏ cho nên khó thể hiện tất cả các chi tiết hình ảnh lên đó. Người thợ cần phải biết cách tạo điểm nhấn cho mỗi hình ảnh, thể hiện sắc sảo điểm nhấn đó mới được xem là thành công”, Nhung bày tỏ.

Ngoài những mẫu vẽ cơ bản, như hoa, thú cưng, hình trái tim, chấm bi, nốt nhạc… tùy tư duy của mỗi người có thể đưa những hình ảnh đời thường lên móng tay, gắn với mỗi sự kiện. Linh cho biết: “Vào dịp Noel, giới trẻ thường muốn được vẽ ông già Noel, tuần lộc hay cây thông; lễ tình yêu thì vẽ hoa hồng; dịp Tết thì vẽ hoa mai, pháo hoa … Tất cả các hình ảnh đời thường đều thể hiện được trên móng tay, tùy thuộc vào kỹ năng người thợ”.

Nghệ thuật vẽ móng khởi đầu từ Pháp nhưng cũng có một số tài liệu cho rằng, môn nghệ thuật này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những năm gần đây nó đã lan rộng ở hầu khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là nghề mưu sinh chính của đa số kiều bào ở Mỹ, Canada, Pháp, Úc.

Hiện nay, ngoài những mẫu cơ bản, nhiều bạn trẻ theo đuổi nail art đã biết lồng văn hóa vào trong từng nét vẽ, thông qua đó một phần giới thiệu hình ảnh của quê hương đến với bạn bè quốc tế. “Ngoài giới trẻ mê vẽ 3D, nhiều học viên ở trung tâm em học sẽ đi nước ngoài. Trong quá trình dạy cho các bạn, em luôn dạy thêm cho họ vẽ về những hình ảnh của Việt Nam, của Huế như nón bài thơ, cầu Trường Tiền, hoa mai Huế… để nếu sau này, khi các bạn ấy mưu sinh bằng nghề này ở nước ngoài có thể mang những hình ảnh đó như một cách giới thiệu về quê hương, đất nước”, Nhung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Yến (chủ Trung tâm thẩm mỹ Hoa Hồng), từng được đi Hàn Quốc tham dự các khóa tập huấn về nail art, cho rằng, nghệ thuật vẽ móng ở Việt Nam được phổ biến sau các nước phát triển trên thế giới, tuy nhiên hiện nay ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng đã phát triển. Bên mạnh các mẫu vẽ thông thường thì người thợ cần đưa ra ý tưởng sáng tạo các mẫu mới nhằm bắt nhịp với xu thế của thời đại. “Nghề này không thể học bằng lý thuyết mà phải thực hành. Hiện, rất nhiều Việt kiều tại Mỹ mưu sinh bằng nghề này. Khi họ về nước, tôi thường tìm cách liên hệ để tìm hiểu cập nhật mẫu mới, chất liệu mới để phổ biến lại cho học viên, đáp ứng thị hiếu của khách hàng”, chị Yến nói.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng khoa Mỹ thuật – Ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế cho biết, nail art phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhưng hiện nay ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung chưa có trường lớp chính thống nào trong nhà trường đào tạo môn này mà chỉ có giới trẻ đam mê, tự mày mò tìm hiểu, đồng thời những người làm nghề này tự nghiên cứu làm lấy.

Bài, ảnh: LÊ THỌ