Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh: AFP |
Trong một báo cáo mới về tác động kinh tế của tham nhũng, IMF cho thấy, hối lộ, tham nhũng và các hình thức gian lận khác phổ biến ở cả nước giàu và nước nghèo. Chúng làm hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu các chính sách của chính phủ.
Trong một bài phát biểu chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng toàn cầu tại London diễn ra trong ngày hôm nay (12/5), Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói rằng, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo công khai tìm kiếm sự giúp đỡ để chống lại vấn nạn này.
"Nghèo đói và thất nghiệp có thể là triệu chứng của tham nhũng kinh niên. Trong khi các chi phí kinh tế trực tiếp liên quan đến tham nhũng, cũng như các chi phí gián tiếp có thể dẫn đến tăng trưởng thấp và bất bình đẳng thu nhập cao hơn", bà Lagarde cho biết trong bài phát biểu của mình.
Theo báo cáo của IMF phát hành vào ngày 11/5, tác động kinh tế của tham nhũng là khó định lượng. Đáng chú ý, chi phí của chỉ riêng hối lộ chiếm đến 2% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Tham nhũng làm kinh tế tiếp tục không đạt hiệu quả, làm suy yếu các chính sách công và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, báo cáo nói thêm, đồng thời khẳng định, vấn nạn này cũng đang “xua đuổi” các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
"Các nhà đầu tư thực sự muốn tìm kiếm những quốc gia có thể đảm bảo rằng, một khi các dự án đầu tư được thực hiện, họ sẽ không bị tống tiền vào việc nhận hối lộ", bà Lagarde nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo nói trên, tham nhũng cao hơn thường tương quan với các dịch vụ xã hội dành cho người nghèo thấp hơn.
Bà Lagarde cho hay, IMF đã thêm hướng dẫn về các biện pháp chống tham nhũng trong những chương trình hỗ trợ các chính phủ, bởi vì "tham nhũng phổ biến khiến việc thực hiện chính sách tài khóa khó khăn hơn".
Một số biện pháp đã được chứng minh tính hiệu quả ở một số nước như: trả lương công chức nhiều hơn, thành lập tòa án chống tham nhũng đặc biệt, hình thức trừng phạt đối với các hành vi tham nhũng và tạo ra các văn phòng đặc biệt để thu thuế từ người nộp thuế nhiều nhất để cải thiện sự tuân thủ.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Nvs24)