Một chuyên gia quan hệ quốc tế của Thái Lan nhận định, hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia thành viên của khối ASEAN sẽ mang lại cho Nga các ích lợi kinh tế và sự hiện diện chính trị lớn hơn nữa ở châu Á.
Hội nghị thượng định ASEAN - Nga năm 2010 ở Hà Nội. Ảnh: balita.ph. |
Tiến sĩ Rangsimaporn là nhà phân tích chính trị và tác giả cuốn sách về chính sách đối ngoại Nga ở châu Á-Thái Bình Dương “Nga với tư cách là một đại cường quốc tham vọng ở Đông Á”.
Ông Rangsimaporn nói: “Việc hình thành cộng đồng ASEAN dựa trên cả 3 trụ cột – Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội – tạo ra các thời cơ lớn cho các nước khác, trong đó có Nga. Đây là một khối kinh tế và chính trị mạnh gồm hơn 600 triệu dân với một nền kinh tế trị giá khoảng 2.600 tỷ USD.”
Chuyên gia Rangsimaporn bổ sung thêm: “Nếu Nga có thể tiếp cận thị trường rộng lớn này ở quy mô lớn thì họ có thể gặt hái nhiều lợi ích kinh tế và có thể gây dựng được các mối liên hệ chặt chẽ và gần gũi hơn nữa với ASEAN, qua đó làm tăng thêm sức nặng chính trị cho sự hiện diện và vai trò của Nga ở châu Á”.
Cường quốc Á-Âu
Nhà phân tích Thái Lan nói tiếp: “Nga tin tưởng mình là một đại cường quốc và yêu cầu nước khác công nhận vị thế đó của mình. 2/3 lãnh thổ của Nga nằm ở châu Á. Nước này tuyên bố mình vừa là quốc gia châu Âu vừa là quốc gia châu Á - một quốc gia Á-Âu. Nhưng về lịch sử và văn hóa, Nga gần gũi với châu Âu hơn châu Á”.
Ông Rangsimaporn nói: “Việc Nga đăng cai tổ chức APEC 2012 ở Vladivostok đã là một cơ hội lớn để Nga phát triển và hiện đại hóa các vùng lãnh thổ Viễn Đông, nhưng có vẻ như động lực này về sau đã giảm dần. Trong khi Nga có nhiều đặc điểm của một đại cường quốc – lãnh thổ lớn, kho vũ khí ấn tượng, và sức nặng chính trị – nền kinh tế của nước này lại bị giáng những đòn mạnh bởi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Rangsimaporn lưu ý: “Để có sự hiện diện, vai trò và sức nặng lớn hơn ở châu Á, thì Nga phải phát triển sức mạnh kinh tế, đa dạng hóa nền kinh tế và hiện đại hóa khu vực công nghiệp và thương mại, giảm sự phục thuộc kinh tế vào các nguồn tài nguyên năng lượng. Nga phải có sự hiện diện kinh tế lớn hơn ở châu Á để có thể được công nhận là một thế lực và một người chơi thực sự trong khu vực. Thực tế là thương mại Nga-ASEAN rất thấp và là thấp nhất trong số tất cả các bên đối thoại của ASEAN”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN sắp tới, “tôi nghĩ chúng ta nên tập trung hơn nữa vào các mối liên hệ liên nhân và việc hiểu biết lẫn nhau hơn nữa thông qua các hoạt động văn hóa xã hội và giáo dục”.
Vấn đề hội nhập tại hội nghị Sochi
Theo Torkunov – viện sĩ tại Viện hàn lâm Khoa học Nga, các vấn đề liên kết các quá trình hội nhập châu Á-Thái Bình Dương và Á-Âu cần được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN sắp tới.
Chuyên gia này nhắc lại sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra vào năm 2015 về hình thức và định hướng của các hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Viện sĩ Torkunov nói: “Khởi động các cuộc thảo luận về vấn đề này ở cấp cao nhất là điều quan trọng bởi vì đây là tiền đề cho bước đột phá đầy tiềm năng”.
Ông này bổ sung thêm: “Cần hiểu rằng chúng ta mong muốn hoàn thành một dự án tầm quy mô hành tinh mà chúng ta không thể đạt được ngay trong vài năm. Chúng ta cần chuẩn bị có các hành động nhất quán và hệ thống, bình tĩnh xử lý các trở ngại sẽ gặp phải trên hành trình này, chúng ta sẽ cần huy động ở mức độ cao các nguồn lực trí tuệ, ý chí chính trị và nguồn lực vật chất”.
Theo chuyên gia này, các nỗ lực nói trên sẽ đem lại lợi ích lớn bởi vì dự án này phù hợp với các lợi ích khách quan của một nhóm lớn các quốc gia. “Trên thực tế, nó có thể trở thành một trong các “mặt trận hòa bình” trong cuộc chiến vì một thế giới đa cực”.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN
Hội nghị này sẽ diễn ra vào hai ngày 19-20/5 và sẽ trở thành sự kiện quốc tế lớn nhất ở Nga trong năm 2016. Hội nghị sẽ diễn ra với khẩu hiệu “Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược vì Lợi ích Chung”.
Dự kiện hội nghị sẽ thông qua một tuyên bố đặt cơ sở cho hành động chung trong hợp tác ASEAN-Nga trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa cũng như an ninh.
Nga là bên đối thoại của ASEAN kể từ tháng 7/1996.
Các hội nghị thượng đỉnh đối tác tương tự thường được tổ chức trên lãnh thổ các nước thành viên.
Việc chọn Sochi (Nga) làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN vào dịp kỷ niệm 20 năm mối quan hệ này có tính biểu tượng cao./.
Theo VOV