Thủ đô New Delhi, Ấn Độ trong một buổi sáng đầy sương mù và khói bụi. Ảnh: Reuters |
Ô nhiễm ở Iran, Ấn Độ
Mặc dù thừa nhận Ấn Độ đang phải đối mặt với một "thách thức lớn", các chuyên gia của WHO khẳng định rằng, nhiều quốc gia thậm chí còn không có hệ thống giám sát chất lượng không khí, nên không được đưa vào bảng xếp hạng lần này.
Không khí bẩn nhất được ghi nhận tại thành phố Zabol ở Iran, nơi chịu đựng bão bụi trong nhiều tháng vào mùa hè, mật độ trung bình của những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) lên đến 217 µg/m3. Tiếp theo là 4 thành phố đều ở Ấn Độ gồm: Gwalior, Allahabad, Patna và Raipur.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là thành phố có mức ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thứ 9 trong cuộc khảo sát, PM2.5 trung bình hàng năm đo được 122 µg/m3.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, bụi PM2,5 là loại bụi nhỏ nhất trong khí quyển và có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp, làm tăng nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim. WHO cho biết, hơn 7 triệu người chết sớm hàng năm do ô nhiễm không khí, 3 triệu người trong số đó tử vong do chất lượng không khí ngoài trời.
Hồi năm 2014, New Delhi được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nặng nề nhất, với chỉ số PM2.5 là 153 µg/m3. Từ đó, Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng để giải quyết vấn đề này bằng cách hạn chế việc sử dụng xe cá nhân trên đường trong thời gian ngắn.
Bà Maria Neira, người đứng đầu bộ phận Y tế Công cộng và Môi trường của WHO ca ngợi Chính phủ Ấn Độ trong việc phát triển một kế hoạch quốc gia nhằm đối phó với vấn đề nói trên, trong khi những nước khác không thể làm được.
... và nhiều nước khác
"Có thể một số thành phố ô nhiễm nặng nề nhất trên thế giới không nằm trong danh sách của chúng tôi, bởi vì họ thậm chí không có một hệ thống tốt để giám sát chất lượng không khí. Chính vì vậy, không công bằng để so sánh hoặc xếp hạng", báo cáo của WHO nói thêm.
Nguyên nhân thường gặp dẫn đến ô nhiễm không khí là việc sử dụng quá nhiều xe hơi, nhất là xe chạy bằng diesel, thiết bị sưởi ấm và làm mát ở các tòa nhà lớn, hoạt động quản lý chất thải, hoạt động nông nghiệp và việc sử dụng các máy phát điện chạy bằng than hoặc diesel.
Tính trung bình, mức độ ô nhiễm trở nên tồi tệ thêm 8% trong giai đoạn 2008-2013, mặc dù hầu hết các thành phố ở những quốc gia giàu có đã cải thiện tình trạng không khí của họ so với giai đoạn trước đó.
Số liệu do WHO thu thập được từ một cuộc khảo sát gồm 3.000 khu đô thị cho thấy, chỉ 2% các thành phố ở những nước nghèo hơn có chất lượng không khí đáp ứng tiêu chuẩn của WHO, trong khi 44% các thành phố giàu hơn làm được điều này.
Cơ sở dữ liệu của WHO đã được mở rộng gần gấp đôi quy mô kể từ năm 2014, và xu hướng đánh giá cũng trở nên minh bạch hơn, giúp thúc đẩy hành động nhiều hơn để đối phó với vấn đề này, bà Neira cho hay. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít dữ liệu ở khu vực Châu Phi, bà Neira nhấn mạnh.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Briefreport)