Một ngôi nhà bị ảnh hưởng do lốc đang được sửa chữa    

Thiệt hại người và tài sản

Mới đây, bà con nông dân xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) chưa hết bàng hoàng khi sét đánh làm hai anh em trú ở thôn Thạch Hàn thương vong khi đang gặt lúa. Theo nhiều nông dân, giông sét thường xảy ra buổi chiều tối, cùng thời điểm bà con đang làm đồng, sắp trở về nên thường chủ quan trong việc phòng tránh.

Trong tháng 4 vừa qua lốc xoáy và mưa đá cũng xảy ra ở một số địa phương như thị trấn Sịa, xã Quảng Phước, Quảng Phú (huyện Quảng Điền) và xã Phong Hiền, Phong An (huyện Phong Điền) làm thiệt hại hơn 200 ha lúa cùng 320 căn nhà, 6 phòng học bị tốc mái. Theo thống kê, hai trận giông lốc, mưa đá gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Đây là trận lốc lớn từ trước đến nay, gây thiệt hại gần 4 tỷ đồng đối với địa phương. Trong đó, trường học bị tốc mái, rất may đúng ngày nghỉ học nên không gây thiệt hại về người. Ngay sau khi xảy ra thiên tại, địa phương đã huy động lực lượng sửa lại nhà cửa cho người dân, hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định sản xuất”.

Huy động lực lượng ứng phó mỗi mùa mưa bão

Không chỉ xảy ra ở vùng đồng bằng, lốc xoáy còn diễn ra ở khu vực miền núi với cường độ khá mạnh. Cũng trong giữa tháng 4 vừa qua, trận lốc xoáy đã làm gãy hàng trăm cây keo tràm và một số cây cao su ở trên địa bàn hai xã Hương Hòa, Hương Sơn (huyện Nam Đông). Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa cho biết: “Lốc xoáy ở thời điểm bắt đầu mùa khô hạn hàng năm vẫn xảy ra khá nhiều ở địa phương. Những loại cây keo, cao su bị ảnh hưởng đa số nằm ở vành đai bên ngoài. Cũng nhờ lớp cây này mà cây cao su ít bị ảnh hưởng bởi gió lốc bất ngờ”.

Giông lốc đối với người dân đất liền đã lo lắng, còn đối với bà con ngư dân đó là niềm kinh hãi. Thực tế cho thấy, ngoài mưa bão trên biển, các ngư dân được cập nhật thời tiết, liên lạc bằng bộ đàm để phòng tránh, còn giông lốc bất ngờ, khi tàu thuyền vừa vào tới các cửa biển- vốn bị bồi lắng, nếu gặp lốc, gió lớn thì nguy cơ tàu bị lật, nghiêng, gây thiệt hại về người, tài sản rất cao.

Chủ động ứng phó

Ngoài yếu tố bất ngờ, các hiện tượng thiên tai như giông, lốc, mưa đá người dân đều có thể ứng phó, phòng tránh, hạn chế thiệt hại. Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão hoặc trong thời gian giao mùa, địa phương thường tăng cường tuyên truyền, vận động người dân các biện pháp phòng chống thiên tai như chằng chống nhà cửa, dằn lại mái nhà bằng các thanh nẹp hoặc bao cát. Khi xảy ra mưa lớn kèm giông, địa phương huy động lực lượng cùng các đoàn thể, đưa người già, trẻ nhỏ đi đến nơi trú ẩn an toàn; đối với diện tích cây cao su trên địa bàn, ngoài trồng cây keo tràm làm vành đai, địa phương chủ động kết hợp cán bộ khuyến nông cắt tỉa cành, hạn chế thiệt hại do gãy cây trong mùa mưa bão.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, những năm có hiện tượng El Nino như 1993, 1997, 2002, 2005..., số cơn lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh thường nhiều và mạnh hơn. Các tháng đầu năm 2016, địa bàn tỉnh vẫn đang chịu tác động của El Nino 2014-2016. Đây là một El Nino được đánh giá mạnh kỷ lục, có cường độ tương đương với kỳ El Nino 1997-1998. Nhưng có khả năng trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất từ trước đến nay (khoảng 20 tháng). Như vậy, có thế nói El Nino đã làm gia tăng số lượng cũng như cường độ giông sét, lốc, mưa đá...

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trên địa bàn tỉnh, giông thường bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 11, tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 9. Tháng 5 xuất hiện giông nhiều nhất, với 18-19 ngày giông ở TP. Huế, A Lưới và 23 ngày giông ở Nam Đông. Trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh có từ 92 đến 124 ngày giông, nhiều nhất là ở thung lũng Nam Đông (124 ngày), ít nhất ở A Lưới (92 ngày) và ở Huế (101 ngày).

Đối với giông, lốc ở vùng ven biển, việc chủ động phòng, chống, trang bị kiến thức cho ngư dân là điều quan trọng. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay: “Ngoài đảm bảo thông tin liên lạc, dự báo thời tiết giúp ngư dân tránh, trú bão an toàn. Địa phương thường xuyên khuyến cáo ngư dân trang bị áo phao khi ra biển hoặc phải mặc ngay áo phao khi thấy xuất hiện những đám mây giông phát triển. Nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn. Đồng thời, thông báo ngay tình hình thời tiết, tọa độ của tàu cá cho lực lượng chức năng và tổ đội nghề cá. Tổ chức hợp lý đội hình khai thác trên biển theo tổ, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền để hỗ trợ nhau khi gặp nạn”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nhận định: “Hiện mới bắt đầu mùa khô nhưng đã xuất hiện nhiều giông, lốc tố, mưa đá. Theo quy luật nhiều năm; tháng 5 và tháng 9 là hai tháng cực trị về số ngày giông. Trong khi với dự báo khoảng tháng 6 - 7 El Nino sẽ chuyển sang dạng trung tính, sau đó chuyển nhanh sang trạng thái La Nina vào những tháng cuối năm. Như vậy, tháng 5, các hiện tượng giông, lốc tố vẫn sẽ tiếp diễn và có xu thế nhiều hơn. Giông, tố, lốc, mưa đá là những thiên tai mang tính tự nhiên và năm nào cũng xảy ra, khi nơi này khi nơi khác và gây thiệt hại đáng kể. Do đó, công tác chủ động phòng chống là biện pháp tối ưu trong việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra”.

HÀ NGUYÊN