Cộng đồng thế giới hôm 13/5 đã bày tỏ lo ngại về những diễn biến chính trị gần đây tại Brazil, đặc biệt là việc Thượng viện Brazil bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội và tạm thời đình chỉ chức Tổng thống của bà Dilma Rousseff, cho rằng điều này có thể đẩy Brazil rơi vào tình trạng bất ổn mới cũng như làm ảnh hưởng đến khu vực.
Người biểu tình Brazil. Ảnh: CBC.ca. |
Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper cũng bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn ở Brazil có thể làm lây lan mối nguy hiểm cho khu vực, ảnh hưởng tới thể chế dân chủ ở Mỹ Latin.
Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) Alicia Bárcena thì cho rằng quyết định của Thượng viện Brazil phức tạp và khó hiểu. Bà kêu gọi Brazil nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế và nhấn mạnh khi xảy ra khủng hoảng ở Mỹ Latin cơ cấu xã hội mất nhiều thời gian để phục hồi hơn so với các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Các Tổng thống Venezuela, Nicaragua, Bolivia, và Colombia đều bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff. Tổng thống Colombia Manuel Santos nói: “Chúng tôi ủng hộ bảo tồn các thể chế dân chủ ở Brazil. Sự ổn định của Brazil cần được duy trì. Brazil là một quốc gia quan trọng ở khu vực. Bất cứ diễn biến gì xảy ra ở Brazil đều làm ảnh hưởng tới khu vực Mỹ Latin.”
Chính phủ Cuba cũng bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff và cáo buộc cơ quan lập pháp và tư pháp ở Brazil tiến hành đảo chính với sự ủng hộ của các thế lực phản động nhằm phá hoại những dự án chính trị của đảng Lao động (PT).
Nhiều tổ chức và chính đảng ở Mỹ Latin cũng đã ra thông cáo và kêu gọi tuần hành thể hiện tình đoàn kết với bà Rousseff và phản đối phiên tòa xét xử bà này.
Là một quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo rất lớn trong nhiều thập kỷ, Brazil đã có một sự chuyến biến đáng kể trong vòng 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động với Tổng thống Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva, với các chương trình xã hội giúp hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nhiều chuyên gia lo ngại chính phủ mới của Brazil có thể đẩy lùi những tiến bộ này.
Khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua.
Bên cạnh đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latin phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập niên, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước./.
Theo VOV