Đó là nhận định của Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng tỉnh.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là trọng điểm bệnh sốt rét của cả nước vì ở đây có nhiều điều kiện để dịch bệnh lưu hành và phát triển. Những năm qua, với các biện pháp phòng chống được triển khai có hiệu quả, bệnh sốt rét tại khu vực đã có chuyển biến tốt. Năm 2015, toàn khu vực có 7.644 bệnh nhân sốt rét, với 15 người bệnh bị sốt rét ác tính gây 1 trường hợp tử vong, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm 0,58%. So với năm 2014, số bệnh nhân sốt rét giảm 47,23% ; sốt rét ác tính giảm 67,39%; trường hợp tử vong giảm 66,67% và tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm giảm 48,21%. So với 5 năm trước, số bệnh nhân sốt rét giảm 64,12%; sốt rét ác tính giảm 79,12%; tử vong giảm 87,50% và tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm giảm 49,12%. Tình hình sốt rét giảm dần qua các năm là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng cũng đáng lo ngại vì tính miễn dịch đối với sốt rét của cộng đồng người dân sống trong vùng lưu hành bệnh theo đó giảm dần hoặc hết miễn dịch sẽ tạo điều kiện cho sốt rét quay trở lại khi các cơ sở có khả năng tiếp nhận mầm bệnh ngoại lai từ người bệnh bị nhiễm nơi khác mang về cùng với muỗi truyền bệnh có thể phục hồi hoạt động do giảm dần hoặc ngừng các biện pháp can thiệp phòng chống muỗi để lây lan bệnh tại chỗ.

Miễn dịch sốt rét? Bác sĩ Nguyễn Võ Hinh giải thích, theo các nhà khoa học cơ thể con người có khả năng hình thành những cơ chế bảo vệ chống lại sự xâm nhập của ký sinh trùng sốt rét một cách tự nhiên hay sau khi bị nhiễm bệnh. Ký sinh trùng sốt rét cũng tìm mọi cách phòng vệ và tránh thoát hệ thống bảo vệ của cơ thể con người để xâm nhập vào tế bào. Vì vậy, quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch rất phức tạp. Người có tính miễn dịch đối với sốt rét là người được xác định có khả năng chống lại sự nhiễm bệnh bằng cách hủy diệt hoặc ức chế ký sinh trùng sốt rét, đồng thời cũng có tác dụng làm biến đổi hiệu quả sự xâm nhập của ký sinh trùng sốt rét vào trong tế bào và giúp cho quá trình hồi phục các tổ chức cơ quan bị tổn thương. Để thực hiện được khả năng này, cơ thể con người có hai loại đáp ứng miễn dịch là miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.

Đối với miễn dịch tự nhiên, thực tế tất cả những người chưa bị mắc bệnh sốt rét đều có khả năng cảm thụ với bệnh này. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm dân cư có tính miễn dịch tự nhiên hoàn toàn hay một phần đối với những chủng loại ký sinh trùng sốt rét. Ở những vùng lưu hành bệnh sốt rét, trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động tự nhiên nhận được từ người mẹ nên thường không bị mắc bệnh sốt rét trong khoảng 3 tháng đầu sau khi sinh. Miễn dịch tự nhiên với sốt rét là thuộc tính vốn có của vật chủ người, chúng không phụ thuộc vào bất kỳ một sự tiếp xúc nào trước đó và tính miễn dịch chỉ là tương đối

Đối với miễn dịch thu được, có loại miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu. Trong bệnh sốt rét, miễn dịch không đặc hiệu của vật chủ người chống lại ký sinh trùng sốt rét xảy ra bằng phản ứng thể dịch và phản ứng tế bào. Còn miễn dịch đặc hiệu trong bệnh sốt rét tuy không ngăn cản được sự tái nhiễm, nhưng hạn chế rất đáng kể sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét, những người sống trong vùng sốt rét lưu hành đã có miễn dịch với sốt rét nên khi mắc bệnh thường nhẹ, số lượng ký sinh trùng sốt rét trong máu thấp, ít bị sốt rét ác tính. Như vậy, đáp ứng miễn dịch thu được phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào thông qua sự xuất hiện kháng nguyên của ký sinh trùng. Miễn dịch thu được đặc hiệu là đáp ứng miễn dịch xảy ra sau lần tiếp xúc đầu tiên với ký sinh trùng sốt rét để tạo nên các phản ứng có hiệu quả với các mức độ khác nhau.

Khi ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào cơ thể người, một loạt cơ chế bảo vệ xảy ra tạo nên tình trạng chống lại sự nhiễm bệnh, ký sinh trùng sốt rét luôn tìm cách xâm nhập vào trong các tế bào để sống và sinh sản, chúng phải đề phòng và tránh thoát hệ thống phòng vệ của vật chủ; đồng thời trong cơ thể người hình thánh tính miễn dịch thu được. Nhờ tính miễn dịch mà người sống ở vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ, khi bệnh sốt rét được phòng chống và loại trừ một cách tích cực thì tính miễn dịch trong cộng đồng người dân sẽ giảm dần hoặc mất hết miễn dịch, dẫn đến nguy cơ sốt rét có thể quay trở lại từ mầm bệnh ngoại lai qua muỗi truyền bệnh được phục hồi hoạt động ở vùng dịch tễ làm lây lan bệnh tại chỗ do sự phòng vệ miễn dịch bị suy giảm. Các địa phương cần quan tâm đến vấn đề này để chủ động giám sát và phòng ngừa.

Đinh Hoàng Xuân Hồng