Bánh ép xóm Chùa luôn khiến chúng tôi thòm thèm mỗi lần nhắc tên

Nhắc tới bánh ép mới nhớ, cũng lâu mình không về quê ăn bánh ép. Ở thành phố, bánh ép được bán khá nhiều, hầu như đường nào cũng có vài ba quán, giá cả bình dân. Có những quán nổi tiếng như bánh ép Thuận An, bánh ép Gia Di… nhưng với những người từng thưởng thức qua món bánh ép xóm Chùa, Điền Hải (Phong Điền) sẽ có chung một cảm nhận không quán bánh nào có vị đặc trưng, ngon như ở đây.

Bánh ép xóm Chùa không có trứng cút như ở nhiều nơi, chỉ có một ít rau, thịt nạt được xào thấm, bột lọc, ăn kèm với rau sống. Nước chấm ngoài nước tương còn có món nước mắm ớt, đây là điều khiến bánh ép quê tôi ngon và đặc biệt hơn nhiều nơi. Nước mắm chấm là nước mắm cá của vùng biển Phong Hải pha sền sệt cùng với loại ớt bột được trồng tại địa phương, vừa đủ vị mặn khi chấm và vị cay khiến người ăn có cảm giác ngon miệng. Giá cả hết sức bình dân mỗi cái chỉ 1.000 đồng, nên thu hút rất đông thực khách nhất là học sinh.

Có lẽ vì thế mà mỗi lần có dịp về quê, dù bận rộn mấy tôi cũng đều tranh thủ chở mấy đứa cháu đi ăn món này. Đơn giản vì nó khiến tôi nhớ về tuổi thơ. Nhớ lúc còn bé tý, mỗi lần chị gái buôn bán đắt hàng là cả nhà lại được chiêu đãi món ăn dân dã này. Nhà chẳng có khuôn bánh nên mỗi lần làm bánh phải đạp xe gần 1km đi mượn khuôn bánh. Công việc này tôi luôn là người đảm trách. Rồi cả nhà quây quần bên bếp lửa, ép được cái nào ăn liền cái đó, vừa thổi vừa ăn, đầm ấm vô cùng.

Nhìn sơ sơ nhiều người thường nghĩ, làm bánh ép đơn giản nhưng thực tế lại khá cầu kỳ, nhất là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Bột sau khi mua về được nhồi kỹ, vắt thành từng miếng mỏng hình tròn, nhỏ tầm 2 ngón tay. Thịt nạc được cắt thành lát mỏng ướp gia vị rồi sào sơ, trộn cùng với một ít hành, ngò rí. Sau khi làm nóng khuôn bánh trên bếp than, dùng bẹ chuối bôi lên khuôn ít dầu ăn để chống dính, đặt một miếng bột lọc và một ít thịt nạc lên trên rồi ép lại khoảng 7 đến 8 giây là có thể thưởng thức. Nếu ăn cùng với trứng thì sau khi ép lần một, mở khuôn đổ lên một lớp trứng gà đã quấy sẵn, tiếp tục ép thêm lần 2 trong 3 – 5 giây nữa. Ăn kèm với bánh ép không thể thiếu nước mắm, chua ngọt, rau sống. Thiếu một trong các thứ ấy thì mùi vị của chiếc bánh cũng giảm đi đôi ba phần

Bánh ép là loại bánh vừa ăn, vừa ép khiến cho người thưởng thức cứ muốn ăn mãi không thôi. Những lúc khách đông, cảm giác chờ đợi đến lượt cũng khiến khiến cho món ăn thêm phần thú vị.

Hoàng Thảo Nguyên