Bãi tắm Thuận An chiều 9/5

Cá thiếu oxy

Nhịp tay đẩy đều 2 mái chèo của chị Phạm Thị Diệp nhanh chóng xua đi cảm giác lo lắng của tôi khi lần đầu ngồi trên chiếc xuồng nhỏ chông chênh cùng chị ra phá cho cá lồng ăn. Chị Diệp thổ lộ: “Lượng cá chết đợt này của tui không đáng kể. Làm ăn nghề mô mà chẳng có lúc ni lúc khác, rủi ro tới thì chấp nhận rồi khắc phục. Có sự quan tâm của Nhà nước, có chi mà không vượt qua được”.

Anh Trần Văn Đoàn, sinh năm 1976, một trong những người nuôi nhiều cá lồng ở Thuận An trăn trở: “Vì đây là lần đầu chúng tôi gặp sự cố kiểu này nên không đối phó kịp. Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi không nghĩ cá chết vì nhiễm độc”. Khi sự cố xảy ra, anh Đoàn dùng đò máy để xục khí oxy và nâng lồng lên cao. Phương pháp đó giúp mức độ thiệt hại của anh giảm hơn so với các hộ khác.

Chị Diệp cho cá ăn

Hầu hết số lồng cá bị ảnh hưởng đều ở gần cửa biển. Các hộ nuôi xa cửa biển không xảy ra hiện tượng cá chết. Sau khi đập Thảo Long xả nước, tình hình nhanh chóng lắng xuống, các hoạt động của cá trở lại bình thường. Xâu chuỗi sự việc, hầu hết người dân địa phương cho rằng cá chết là do thiếu oxy, vì nếu nước nhiễm độc thì không chỉ cá chết mà các loại sinh vật biển khác cũng bị ảnh hưởng.

Khôi phục sản xuất, dịch vụ

Ngay khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện Phú Vang có mặt kịp thời cùng ngư dân tìm cách khắc phục rủi ro. Các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, thanh niên được điều động tăng cường cùng bà con thu gom, tiêu hủy cá chết. Lực lượng thú y tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng những khu vực có xác cá để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Kết quả quan trắc của ngành chức năng xác định tất cả các thông số quan trắc về mẫu nước biển của 18 điểm tại Thừa Thiên Huế, trong đó có Thuận An đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bãi tắm và thể thao dưới nước.

UBND thị trấn Thuận An đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện kêu gọi chị em tiểu thương thành lập 2 điểm bán cá sạch tại chợ Thuận An vào buổi sáng và chợ Phú Tân vào buổi chiều. Cá bán tại các điểm nói trên được chọn lọc, thu mua từ những tàu đánh bắt xa bờ, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của Chi cục Thủy sản tỉnh. Theo ông Nguyễn Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, lượng cá tiêu thụ tại 2 điểm trên ngày sau tăng hơn ngày trước.

Việc cá chết không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà những người kinh doanh dịch vụ du lịch trên bãi tắm Thuận An cũng bị một phen điêu đứng. Chị Nguyễn Thị Thu, ở phường Phước Vĩnh cho biết, tối 4/5 chị cùng bạn bè từ xa về biển thì thấy bãi tắm vắng ngắt. Lúc đầu họ cũng ngại, nhưng sau khi nghe chủ quán giải thích và chế biến cá cùng ăn với khách thì mọi người không ngại nữa. Nhờ các cơ quan chức năng nhanh chóng công bố kết quả quan trắc xác định nguồn nước không bị nhiễm độc, dịp cuối tuần vào các ngày mồng 7 và mồng 8/5, du khách đã trở lại bãi biển Thuận An khá đông. Bà Trần Thị Xuân, chủ nhà hàng Sao Biển tại bãi tắm Thuận An bộc bạch: “Những tin đồn vượt quá thực tế, thậm chí mang tính a dua là yếu tố chính gây trở ngại việc làm ăn của chúng tôi”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN