Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa), Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj (trái) và Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni trong cuộc họp báo ngày 16/5/2016 tại Vienna, Áo. Ảnh: AFP

Mỹ, 4 thành viên thường trú khác của Hội đồng Bảo an LHQ, cùng với hơn 15 quốc gia khác tham gia vào cuộc đàm phán Libya tại Vienna cho biết trong một tuyên bố ngày hôm qua (16/7 – giờ địa phương) rằng họ đang tìm kiếm sự miễn trừ từ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya để giúp đất nước bị xung đột tàn phá này chống lại các chiến binh IS.

"Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã gửi yêu cầu miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí phù hợp lên Ủy ban trừng phạt Libya của LHQ để có thể mua sắm vũ khí sát thương và các trang thiết bị cần thiết để chống lại các nhóm khủng bố và chống lại IS trên khắp đất nước", tuyên bố nói rõ.

Các cường quốc cho biết họ sẵn sàng "hỗ trợ đầy đủ" lời kêu gọi của Libya về việc cung cấp đào tạo và trang thiết bị; tuy nhiên, họ cũng khẳng định rằng lệnh cấm vận vũ khí của LHQ cần được tiếp tục củng cố để ngăn các loại vũ khí chết người rơi vào tay các nhóm cực đoan và dân quân của các đối thủ cạnh tranh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là một trong những quan chức hàng đầu ở Vienna tuyên bố hỗ trợ cho chính phủ được quốc tế công nhận của Libya. Cuộc họp cũng nhằm mục đích tìm ra giải pháp để chính quyền non trẻ Libya chấm dứt sự cạnh tranh với một chính quyền tự tuyên bố ở phía đông nước này.

Cùng với Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni, Ngoại trưởng Mỹ Kerry tuyên bố không có kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự quốc tế ở Libya để hỗ trợ cho chính phủ mới. Tuy nhiên, ông cho biết, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj đã đến Vienna cũng với yêu cầu về việc cung cấp trang thiết bị và đào tạo mà các Bộ trưởng quốc tế hiện nay đã sẵn sàng hỗ trợ.

"Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và an ninh cho chính phủ Libya mới theo yêu cầu của nước này", Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đã nắm bắt sự hỗn loạn ở Libya để chiếm lĩnh một vùng đất khá lớn xung quanh thành phố Sirte và để khởi động các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cường quốc châu Âu, cũng đang lo ngại về dòng người tị nạn và người di cư băng qua Địa Trung Hải từ bờ biển không được bảo vệ của Libya.

Ngoại trưởng Gentiloni nói với các phóng viên tại Vienna rằng "sự ổn định của Libya là câu trả lời quan trọng cho những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt, và để ổn định Libya, chúng ta cần một chính phủ". Ông ca ngợi quyết định của Thủ tướng Sarraj về việc tạo ra một "lực lượng chính phủ mà chúng tôi sẽ hỗ trợ" và một trung tâm hoạt động chung nhằm phối hợp các chiến dịch ở Libya để đánh bại mối đe dọa từ IS.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & PressTV)