Người tị nạn cố gắng chạy trốn khỏi bờ biển Libya để đi đến châu Âu đang bị giam giữ tại trung tâm bảo vệ bờ biển ở thành phố ven biển Tripoli, Libya. Ảnh: Reuters

Hiệp ước ban đầu được ký kết bởi Thủ tướng Italy lúc đó là ông Silvio Berlusconi và cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi trước khi ông Gaddafi bị lật đổ và đất nước rơi vào hỗn loạn.

Tình trạng hỗn loạn ở Libya, nơi những tay buôn người lợi dụng sự hỗn loạn để đưa những người chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói lên những con thuyền không thể dùng để đi biển đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tề nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Cuộc thảo luận về "hiệp ước hữu nghị" năm 2008 được hồi sinh bởi ông Mohammed Siyala, Bộ trưởng Ngoại giao Libya thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc mới được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và người đồng cấp Italy Paolo Gentiloni ở thủ đô Rome hôm 17/5.

"Hai nhà ngoại giao đã nói chuyện về khả năng kích hoạt lại các công cụ được đề ra trong hiệp ước hữu nghị năm 2008 càng sớm càng tốt", Bộ Ngoại giao Italy cho biết trong một tuyên bố.

Phương Tây đang trông chờ Chính phủ thống nhất của Libya giải quyết tình trạng bạo lực vũ trang trong nước, cũng như loại bỏ các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ngăn chặn dòng người tị nạn đi qua Địa Trung Hải.

Các quan chức châu Âu cũng đang lo lắng về số lượng lớn người tị nạn tại Libya; đồng thời cho rằng, các nhà lãnh đạo mới của Libya vẫn thiếu hiệu quả trong việc kiểm soát thủ đô Tripoli và bảo vệ bờ biển của mình.

Trước đó, Italy đã lên kế hoạch đầu tư 200 triệu USD mỗi năm cho các dự án bao gồm xây dựng đường sá và phá mỏ ở Libya trong hơn 25 năm, với tổng chi phí lên đến 5 tỷ USD.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Worldpage)