Sát thực tiễn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc thu gom rác thải đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải trước khi xử lý chưa được tiến hành, chủ yếu xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp dẫn đến việc quá tải tại các bãi rác và gây ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ những vấn đề trên, nhóm tác giả Lương Lê Uyển My đã có ý tưởng xây dựng hệ thống phân loại rác thải giúp cho địa phương xử lý, phân loại những rác thải khó tiêu hủy, chọn ra những rác thải có thể tái chế nhằm tiết kiệm được nguồn nguyên liệu tái chế và góp phần bảo môi trường.

Đề tài máy phân loại rác thải thu hút khách tham quan tại triển lãm sản phẩm tham gia cuộc thi

Lương Lê Uyển My tâm sự: Trong những lần đi học, đi chơi cùng bạn bè ngang qua những nơi tập kết rác hay các bãi rác, em thấy mọi người đều khó chịu với mùi hôi. Mùi hôi bắt nguồn từ việc phân hủy các loại rác thải, nhất là rác thải hữu cơ. Điều đó khiến em nảy sinh ý tưởng nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy có thể phân loại rác thải triệt để.

“Bài toán đặt ra là phần lớn các hộ chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt, làm sao xử lý, tái chế rác thải thập cẩm, giảm khí thải ra môi trường. Tìm hiểu công nghệ xử lý rác hiện có, em thấy còn lạm dụng nhiệt để xử lý rác, chất thải, làm gia tăng khí thải ra môi trường. Theo đó, em càng quyết tâm nghiên cứu, chế tạo thành công máy phân loại rác thải”, My cho biết thêm.

Khi đưa ý tưởng trên trình bày với thầy giáo Nguyễn Hoằng Tín, Hoàng Giang Liệt, các em được thầy hướng dẫn hiện thực hóa sản phẩm. Có những công đoạn khó như hàn, lắp ráp các thiết bị My và các bạn phải nhờ đến sự giúp sức của gia đình, thầy giáo hướng dẫn. My cười: “Bọn em còn vụng lắm nên thầy phải hướng dẫn rất vất vả”.

Theo tìm hiểu, nguyên liệu chế tạo nên hệ thống phân loại rác chủ yếu là phế liệu, kinh phí khoảng 2 triệu đồng. Hệ thống bao gồm: máng chứa rác, thùng xử lí, thùng lắng rác thải hữu cơ, giá đỡ làm bằng sắt; bể chứa nước bằng nhựa; mô tơ, hệ thống vận hành bằng bánh răng, dây xích; van khóa nước, ống nước bằng nhựa mềm; mô tơ hút nước; trục quay, cánh quạt bằng sắt; lưới cản bằng sắt; nắp đậy an toàn khi vận hành bằng mica.

Sau khi bật công tắc điện vận hành, mô tơ bơm nước sẽ hoạt động. Rác thải sau khi cho vào máng đựng rác sẽ được đưa vào thùng xử lý và phân loại. Tại đây, rác thải được trộn lẫn với nước, các trục quay hoạt động cắt đứt một số rác thải hữu cơ. Rác thải vô cơ như: bao ni lông, nhựa ... được đẩy lên phía trên và đưa ra phần sau của thùng xử lý. Còn cát sạn sẽ lắng xuống ở túi đựng nằm dưới thùng xử lý, trên mặt túi có lưới lọc để rác hữu cơ không xuống được túi chứa cát sạn, khi đầy được lấy ra bằng cách khóa van nước số 1 và mở van số 2. Ở đây rác thải vô cơ được một trục quay đưa sang hệ thống băng chuyền phía trên, đưa rác vô cơ đến nơi để xử lý, tái chế.

Các loại rác thải hữu cơ được trục đánh số 1 và trục đánh số 2 xé nhỏ theo nước tràn sang thùng lắng ở bên cạnh. Khi thùng lắng đầy thì tiến hành khóa van nước số 3 và mở van số 4, nước từ thùng lắng sẽ tràn sang bể chứa nước. Từ đây, rác thải bao bì được đưa đi xử lý hoặc tái chế, còn rác thải hữu cơ được đem đi ủ làm phân bón cho cây trồng. Sau đó, máy bơm nước sẽ tiếp tục đưa nước từ bể chứa trở lại cấp nước cho đợt xử lý tiếp theo.

Cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho hay: Hệ thống phân loại rác thải có thể áp dụng rộng rãi ở các địa phương như: các xã, thị trấn, các khu công nghiệp,... Tùy thuộc vào quy mô của bãi chứa rác, hoặc lượng rác nhiều hay ít để thiết kế hệ thống phân loại rác thải phù hợp với khối lượng rác thải cần xử lý. Giải pháp này có thể nhân rộng trên địa bàn toàn quốc. Các em đang có thêm ý tưởng mới sẽ thiết kế thêm một hệ thống xử lý nguồn nước thải ra trong quá trình phân loại nhằm hạn chế ảnh hưởng của nguồn nước tái chế khi thải ra môi trường. Ban giám hiệu và thầy cô trong trường sẽ tạo điều kiện cho các em có thể hiện thực hóa các ý tưởng trên.

Hoàng Thảo Nguyên