Bức xúc

Theo phản ánh của người dân phường Phước Vĩnh, TP. Huế chúng tôi có mặt tại đường Trần Phú, một con đường có mật độ dân cư khá đông đúc. Tuy nhiên, hệ thống cống thoát nước ở đây không có. Nước người dân thải ra cứ thế đổ dốc đi qua trước mặt nhà các hộ dân. Bà N.T.C, một hộ dân cho biết, trước đây đường Trần Phú có hệ thống rãnh thoát nước, nhưng qua thời gian, nhà cao tầng, thấp tầng mọc lên nhiều nên bít hết đường thoát nước. Nước thải của các hộ dân cứ thế tràn mặt đường. Có những hộ bán cà phê, bia, xả thẳng nước thải, kể cả nước tiểu của khách làm ô nhiễm tuyến đường; những hộ ở phía cuối dốc bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nước thải của các hộ dân chảy tràn trên mặt đường Trần Phú

Theo ông H.S.A, một người dân sống lâu năm ở đây. Mùa nắng cũng như mùa mưa nước khó thoát, đọng lại bốc mùi hôi khó chịu. Nhà cửa ngày càng xuống cấp do nước ngấm dần vào móng, trụ, tường. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, họp dân đã có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng này từ nhiều năm nay.

Đường Trần Phú chỉ là một trong những con đường gây nhiều bức xúc nhất trong dân. Cùng những con đường chính thì nhiều con đường hẻm, đường kiệt cũng chung tình trạng do không có cống thoát nước. Người dân khổ sở trong đi lại, sinh hoạt đã đành, nhưng lại bức xúc nhất là việc ô nhiễm môi trường. Khổ nhất là những hộ kinh doanh trên các tuyến đường này. Họ cho rằng việc kinh doanh ế ẩm cũng một phần do nước thải đọng ngay cửa hàng.

Qua đường dây nóng Báo Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận được ý kiến của người dân tổ 17, khu vực 5, phường Thủy Xuân phản ánh hộ ông N.V.C thải nước phân heo ra đường, gây ô nhiễm nặng nề. Bà N.T.T, một hộ dân sống ở đây cho biết, hộ ông C nuôi heo đã 4, 5 năm nay, mặc dù gia đình ông có làm hầm rút để chứa phân heo, nhưng do những lúc đầy quá, phân heo cứ thế tràn ra đường. Các hộ dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh lên tổ, lên phường, nhưng do khi kiểm tra ông C không thải ra nên không thể xử lý ông được. Nhiều nhà dân ở đây đã phải tự làm rãnh thoát nước có nắp đậy để giảm bớt ô nhiễm.

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, trên địa bàn có 440 tuyến đường, trong đó có khoảng 160 tuyến (chiếm tỷ lệ 1/3) có hệ thống thoát nước. Số tuyến còn lại thì không có, hoặc có rãnh nước người dân tự làm. Do không có hệ thống cống thoát nước nên người dân sống ở những tuyến đường đã bị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt; gây nên cảnh nhếch nhác, mất cảnh quan tại một số vùng ở đô thị Huế.

Chờ một tương lai

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, thời gian qua, tranh thủ nguồn tài trợ từ các tổ chức trong, ngoài nước và nguồn đầu tư của TP. Huế, nhiều công trình thoát nước đã được xây dựng, phục vụ nhu cầu thoát nước cho một số tuyến đường khu vực phía bắc, nam thành phố. Về cơ bản, hệ thống thoát nước hiện có vẫn đang hoạt động hết công suất và giải quyết được một phần vấn đề thoát nước trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau (như thời gian sử dụng kéo dài, quá trình đô thị hóa dẫn đến san lấp mặt bằng...), một số tuyến đã bị hư hỏng, xuống cấp, một số tuyến không đáp ứng được lưu lượng thoát nước nên dẫn đến khả năng thoát nước của nhiều khu vực bị hạn chế. Hiện nay, TP. Huế đang triển khai thi công Dự án “Cải thiện môi trường nước TP. Huế giai đoạn 1” vùng phía nam TP. Huế với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Theo đó, tại 12 phường sẽ triển khai cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước thải bao gồm: Xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải, tuyến cống chuyển tải nước thải chính với tổng chiều dài khoảng hơn 32 ngàn mét, xây dựng 94 giếng tách nước mưa, 7 trạm bơm và 1 nhà máy xử lý nước thải đang được thực hiện. Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ đáp ứng nhu cầu thoát nước tại các phường phía nam TP. Huế.

Bên cạnh dự án này, hiện nay, UBND tỉnh cũng đang chuẩn bị triển khai Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) tại tỉnh” có nguồn vốn vay từ ADB, dự kiến là 1.491 tỷ đồng (tương đương 70.523.000USD) và 42,3 tỷ đồng (tương đương 2.000.000USD) vốn viện trợ không hoàn lại. Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường bao gồm điều kiện thoát nước, kè và nạo vét phòng chống ngập lụt, quản lý nước, vệ sinh môi trường; nâng cấp các công trình xử lý chất thải rắn; xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với các khu vực ngoại ô và chỉnh trang đô thị để Huế trở nên xanh, sạch, đẹp.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế khẳng định: Với dự án “Cải thiện môi trường nước TP. Huế giai đoạn 1” sẽ có khoảng 72 tuyến đường được lắp đặt hệ thống thoát nước và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, TP. Huế sẽ tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2 tại phía bắc TP. Huế. Riêng đối với Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) tại tỉnh” sẽ được triển khai vào năm 2017 và hoàn thành trong năm 2020. Theo đó sẽ có khoảng 16 tuyến đường trên địa bàn TP. Huế sẽ được lắp đặt hệ thống cống thoát nước; góp phần cải thiện cơ bản hệ thống thoát nước cho thành phố.

Trong khi các dự án cải tạo môi trường nước đang được triển khai, người dân cần tự giác xây dựng các bể tự thấm, giảm lượng nước thải ra đường. Các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Hải Huế