Từ lâu, Huế được xem là kinh đô, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đạo Phật. Nhắc đến Phật giáo ai cũng nghĩ đến những bộ y phục mang tính đặc trưng, riêng biệt. Và ở Huế, có một gia đình lấy nghiệp may y phục cho tăng ni, phật tử làm kế sinh nhai tự bao đời nay…

Trang phục biểu diễn vũ khúc Lục cúng hoa đăng tại Lễ hội Quảng Chiếu được gia đình ông Sắc may. Ảnh: Tuệ Ninh

Nghề ba đời

Chúng tôi quả thực bất ngờ khi vợ chồng ông bà ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng lại khỏe mạnh lạ thường. Hỏi chuyện về may áo cà sa, bà Khiếu Thị Hương (72 tuổi) chỉ tay về hướng ông Sắc: “Chú hỏi ông xã tui, ông ấy gắn trọn một đời với áo cà sa, hiểu rõ lắm!”.

Ông Sắc đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Hồi ức về việc bén duyên với nghề may y phục cho các tăng ni, phật tử, ông Sắc bảo rằng, ông sinh ra ở xã Điền Hải (Phong Điền) trong một gia đình làm nghề may. Năm 1927, thân sinh của ông rời quê lên thành phố lập nghiệp và bén duyên với nghề may y phục cho các tăng ni, phật tử, trở thành một trong những người đầu tiên may áo cà sa cho các vị tu sĩ tại Huế.

“Tui vốn là học sinh Trường Quốc Học Huế, tham gia các hoạt động kháng chiến và bị mật thám Pháp bắt. Sau khi thoát khỏi tay thực dân Pháp, tui trở lại vùng kháng chiến tại xã Phong Phú (cũ) làm Bí thư chi đoàn xã, gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc. Năm 1952, có sẵn nghề may của thân sinh truyền lại, tôi rời quê ra Bắc làm công nhân hợp đồng may mặc tại Bộ Công an. Năm 1977, thân sinh già yếu nên tui trở lại Huế tiếp nối nghiệp may áo cà sa”, ông Sắc chia sẻ.

Kể từ thời điểm đó đến nay, ông Sắc gắn bó với nghề may y phục Phật giáo. Để không thất truyền, ông truyền nghề lại cho các con và gần 20 học trò. Bây giờ, họ đều là những thợ may y phục cho các tăng ni, phật tử có tiếng ở Huế. Ông Sắc tâm sự: “Vợ tui hồi trước làm kế toán cho một công ty, khi công ty giải thể, bà tập tành học may. Bây giờ cũng có thâm niên mấy chục năm trong nghề này. Tính đến nay, gia đình tui đã có 3 đời gắn bó với áo cà sa rồi”.

Phải am hiểu Phật giáo

Trang phục của Phật giáo không phải ai cũng hiểu. Áo cà sa của nhà Phật càng có những quy định riêng và có lịch sử hẳn hoi. “May áo cà sa phải am hiểu văn hóa, luật tục Phật giáo. Tùy theo độ tuổi, từng cấp mà có một bộ cà sa thích hợp. Thọ sa di chỉ may 1 tấm, thọ tì kheo (chức thầy) may bộ y ngũ, y thất, y cửu (5 điều, 7 điều, 9 điều). Các vị đại lão hòa thượng thì có thêm y 13 điều, 15 điều, 17 điều, 19 điều, 21 điều, 23 điều, 25 điều. Mỗi loại có một cách may khác nhau. Y 9 điều, y 11 điều, y 13 điều, cắt rọc hai miếng dài một miếng ngắn; y 15 điều, y 17 điều, y 19 điều cắt rọc ba miếng dài một miếng ngắn; y 21 điều, y 23 điều, y 25 điều cắt rọc điều tướng bốn miếng dài một miếng ngắn”, ông Sắc giới thiệu.

Theo ông Sắc, kỹ thuật và các công đoạn may đều giống may trang phục thông thường. Nhưng ngoài kiến thức về Phật giáo, thợ may cần nắm vững kỹ thuật may mới tạo ra sản phẩm hài lòng cho khách hàng. “May y phục Phật giáo cũng gồm 3 công đoạn: đo, cắt và may. Tuy nhiên, quần áo thông thường dễ may hơn đôi chút. Y phục Phật giáo rộng, may cho đứng áo rất khó, khi cắt cần chú ý đến độ cử động. Người thợ lành nghề cần chú ý những chi tiết nhỏ nhất như, tà áo chỗ phải co lại, có chỗ thẳng ra. Đặc biệt, áo tuy rộng nhưng tràng áo phải ôm ngực. Muốn may thành thạo phải học khoảng 2 năm”, bà Hương cho biết.

Áo cà sa trong ý nghĩa trong Phật giáo là biểu tượng của hạnh khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục. Vì thế chất liệu may áo cần đạm bạc, thể hiện đời sống khiêm tốn, đơn sơ. “Áo đẹp hay không, không do chất liệu quyết định mà tùy đường kim mũi chỉ của thợ may. Chất liệu vải rất bình thường, không đòi hỏi lụa là, gấm vóc. Các tăng ni, phật tử chỉ mặc “hoại sắc”, màu không lòe loẹt, chủ yếu màu đà, nâu và lam. Áo tràng tay hẹp, màu đà dành cho nam, nữ mặc màu lam. Màu vàng thường được mặc vào các dịp lễ. Nếu khách hàng đưa mẫu thì người thợ phải nắm được luật tục đó của Phật giáo”, ông Sắc nhấn mạnh.

Nếu như trước đây, áo cà sa chỉ được những người thợ may theo mẫu thì nay mỗi loại y phục có một công thức may rõ ràng. “Mỗi chiếc áo cà sa thường may khoảng 2 ngày với tiền công 250.000 đồng. Bình quân mỗi tháng vợ chồng tui may được khoảng 15 cái. Trước đây, ngoài áo cà sa, tụi tui còn may các loại áo quần khác cho phật tử, nhưng nay các loại đó đã có các xí nghiệp may nên số lượng khách đến may giảm. Khách hàng không chỉ là những tăng ni, phật tử trong tỉnh mà còn ở các tỉnh thành trên cả nước. Điều khiến vợ chồng tui tự hào là vừa qua, gia đình góp một phần nhỏ vào sự thành công của Lễ hội Quảng Chiếu và Đại giới đàn Giác Phong. Các hòa thượng, thượng tọa ai cũng hài lòng về áo cà sa do tụi tui may”, bà Hương nói.

Hòa thượng Thích Phước Minh, Trưởng ban nghi lễ của Lễ hội Quảng Chiếu cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Hữu Sắc có truyền thống may y phục cho các tăng ni, phật tử ở Huế, ai cũng hài lòng về những bộ y phục do gia đình ông tạo ra. Vào các dịp lễ hội của Phật giáo, chúng tôi thường đặt may y phục tại gia đình ông Sắc. Lễ hội Quảng Chiếu tại Festival Huế 2016 vừa qua, chúng tôi đặt gia đình ông may mới 11 bộ áo để trình diễn vũ khúc Lục cúng hoa đăng. Từ trước đến nay, gia đình ông Sắc có đóng góp không nhỏ về y phục cho các lễ hội Phật giáo ở Huế.

Lê Thọ