Thủ tướng Hy Lạp Tsipras. Ảnh: Reuters

Athens hy vọng các biện pháp này, trước khi diễn ra cuộc họp quan trọng của các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro vào ngày mai, sẽ giúp mở khóa các quỹ cần thiết để thanh toán các khoản vay của IMF, trái phiếu của ECB đáo hạn trong tháng 7 tới và tình trạng nợ nhà nước đang ngày càng gia tăng.

Các loại thuế sẽ đánh vào người Hy Lạp, với sự gia tăng thuế giá trị gia tăng lên đến 24%, tăng thêm thuế về nhiên liệu, thuốc lá, sử dụng Internet và một phần mở rộng của thuế tài sản.

Trước quyết định của các nhà lập pháp, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài toàn nhà Quốc hội vào tối qua để phản đối việc cải cách.

"Đó là một thảm họa!", doanh nhân 60 tuổi Panayiotis Kehris nói, "chúng tôi sẽ phải cắt giảm mọi thứ, từ thực phẩm đến lái xe".

Để xoa dịu sự tức giận của công chúng, Thủ tướng Tsipras nói với các nhà lập pháp rằng, mỗi khi Athens vượt quá mục tiêu thặng dư chính hàng năm, các khoản lợi nhuận nhà nước bổ sung sẽ được đưa vào một quỹ đoàn kết xã hội, dự kiến sẽ thu được khoảng 700 triệu euro trong năm nay.

Cuộc hội đàm giữa Athens và các chủ nợ nước ngoài về các cuộc cải cách đã kéo dài trong nhiều tháng qua, chủ yếu là do sự rạn nứt giữa EU và IMF đối với những tiến bộ tài chính của Hy Lạp và những phản đối ở Athens về các biện pháp không được ưa chuộng.

IMF cho biết, Hy Lạp không thể đạt được mục tiêu thặng dư 3,5% vào năm 2018 hoặc sau đó, trừ khi nước này được giảm nợ đáng kể và có các biện pháp trả trước. Đây được coi như là điều kiện để tham gia vào các gói cứu trợ.

Phía chủ nợ EU, mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán nhanh chóng và tránh một cuộc khủng hoảng mới trong khối, nhấn mạnh rằng các mục tiêu này là khả thi nhưng cần có IMF tham gia.

Để giúp phá vỡ bế tắc, Athens đã bao gồm một cơ chế dự phòng về việc cắt giảm chi tiêu, sẽ được kích hoạt nếu mục tiêu cứu trợ tài chính bị bỏ lỡ. IMF hiện vẫn chưa phê duyệt đề xuất này, một nguồn tin thân cận với các chủ nợ cho hay.

Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurogroup vào ngày mai (24/5) sẽ thảo luận về các cơ chế và đề ra chi tiết về cách thức để giảm bớt gánh nặng nợ nần của quốc gia này. Chính phủ muốn một thỏa thuận cụ thể về việc giảm các khoản nợ ngắn và trung hạn.

Thủ tướng Tsipras hy vọng rằng, việc tái cơ cấu nợ sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư và thuyết phục người Hy Lạp rằng, sự hy sinh của họ đang bắt đầu được đáp trả sau bảy năm thắt lưng buộc bụng.

"Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhận được một thông điệp rằng, Hy Lạp đang thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Đáp lại, vào ngày mai, phía còn lại cũng phải thực hiện trách nhiệm", Thủ tướng Tsipras cho biết.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & Ibtimes)