Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, nhằm xây dựng một nền chăn nuôi sạch, bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, tạo sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Theo ý kiến của nhà chuyên môn, để chương trình vận động có kết quả, các hộ chăn nuôi cần phải có kiến thức, phương pháp để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, thu lợi bền vững mà không cần chất cấm.

Trên tinh thần đó, nhiều cuộc hội thảo, tập huấn đã được triển khai ở các địa phương, góp phần chuyển biến nhận thức cho một bộ phận hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi hiện không dừng lại ở con số 100.000 mà gấp nhiều lần như thế (toàn quốc có khoảng hơn 4 triệu hộ chăn nuôi lợn; hơn 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và hàng vạn hộ chăn nuôi các loại gia súc khác). Điều quan trọng làm sao để 100.000 hộ là con số tượng trưng, hạt nhân để lan tỏa sang nhiều hộ chăn nuôi khác, nhằm hướng tới một nền chăn nuôi bền vững trong toàn quốc.

Sở dĩ, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cứ dai dẳng, bởi nó mang đến cho người chăn nuôi lợi nhuận cao hơn so với việc chăn nuôi thông thường. Nhiều ý kiến cho rằng, nên đi kèm với vận động cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần thiết phải có cơ chế chính sách về thị trường đầu ra để họ yên tâm thực hiện; tránh tình trạng “tự bơi”, không cạnh tranh nổi với thịt bẩn, thịt không có nguồn gốc xuất xứ, rồi quay lại sử dụng chất cấm như trước.

Lâu nay, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và việc chống sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng đã được triển khai; đặc biết từ khi Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội ban hành vào năm 2010 và Nghị định 08/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thức ăn chăn nuôi có hiệu lực đã nhận được sự quan tâm của nhiều bộ ngành, địa phương. Vậy nhưng, vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn ra, khó bề kiểm soát.

Cùng với Chương trình vận động, tuyên truyền “100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm”, ngày 1/7 tới, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ có hiệu lực. Theo quy định mới của Bộ luật, các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nặng có thể phạt tù đến 20 năm, phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng. Hy vọng, đây sẽ là những chế tài mạnh đủ sức răn đe, từng bước nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trên toàn quốc, hướng đến một nền chăn nuôi bền vững, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập; góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đặng Thành