Đổi thay từ những mái trường

Ngay từ nhỏ, cậu họ trò Nguyễn Hối đã mơ ước sau này lớn lên được làm nghề dạy học như những thầy cô giáo ở ngôi Trường THPT Tam Giang (xã Điền Hải, Phong Điền) - nơi cậu theo học. “Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm (1983), tôi được về lại trường để cùng với thầy, cô giáo cũ và đồng nghiệp làm nhiệm vụ trồng người, đem tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Hối nhớ lại.

Thầy Nguyễn Hối (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các học sinh trường Đặng Huy Trứ đỗ thủ khoa và á khoa các trường đại học

Suốt 23 năm gắn bó, đồng hành với sự chuyển mình của ngôi trường nơi vùng quê nghèo, vừa là một giáo viên giảng dạy môn vật lý, vừa làm công tác quản lý (được bổ nhiệm hiệu trưởng sau 6 năm công tác), thầy là người đưa ngôi trường ven phá, từ chỗ khó khăn thiếu thốn, với những phòng học tạm bợ, rách nát, cơ sở vật chất nghèo nàn trở thành ngôi trường khang trang, với 3 dãy nhà cao tầng hiện đại, đầy đủ điều kiện phục vụ cho việc “trồng người”. Đồng thời, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò thành đạt,  góp phần đưa trình độ dân trí của vùng quê nghèo ngày một phát triển.

Từ khi được chuyển về làm hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ (Hương Trà) năm 2006, thầy Hối cũng là người đưa chất lượng dạy và học của trường có sự phát triển vượt bậc, luôn nằm trong top 5, 6 toàn tỉnh và có năm nhận cờ dẫn đầu khối THPT. 

Nhìn cơ cở vật chất khang trang của Trường Đặng Huy Trứ hiện nay, ít ai biết trước đây, vào mùa mưa, cả thầy và trò đều phải xắn quần để lội nước. Mùa hè, phải chịu cái nắng chang chang vì cây xanh không sống nổi. Để nâng cấp sân trường, thầy Hối đã vận động doanh nghiệp sản xuất xi măng xin hỗ trợ được 50 tấn. Số xi măng sau đó được dành một phần cho việc xây dựng, phần còn lại đem đổi ra cát và nhân công. Vận động phụ huynh cho 1.000m3 đất để nâng nền và trồng cây. Nhờ thay thế lớp đất phèn chua, chăm sóc chu đáo nên dần dần trường đã rợp bóng cây xanh.

Hạnh phúc của người “gieo mầm”

Với lòng đam mê, hết lòng vì học sinh thân yêu, ngoài giờ lên lớp, thầy thường “để ý” những học trò cá biệt để gần gũi, cảm hóa. Với thầy Hối, không phải bản thân các em xấu mà do hoàn cảnh gia đình, ít được sự quan tâm chăm sóc nên chưa ngoan”. Vì thế, có em, thầy gặp riêng, có khi về tận nhà hỏi thăm, trò chuyện, giúp học sinh nhận thức đúng, sai để hoàn thiện mình. Chính vì vậy, học sinh của trường có việc gì cũng chạy lên hỏi thầy hiệu trưởng, đã tạo được mối quan hệ gắn kết, tốt đẹp giữa thầy và trò.

Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng thầy lại có điện thoại gọi đến. Thầy kể: “Điện thoại của tôi, trừ lúc họp, làm việc, còn 24/24h luôn mở máy để bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể trao đổi, góp ý, vì đây là số điện thoại đường dây “thân thiện”. Qua đó, mình cũng biết được tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh để có sự điều chỉnh  phù hợp”.

Với vị hiệu trưởng đáng kính này, lúc nào những lời dạy của Bác cũng như “kim chỉ nam” trong hành động, là tấm gương sáng để hướng đến và noi theo. Thầy thường nhắc nhở giáo viên, muốn thành công trong nghề dạy học, trước hết, phải đam mê, tâm phải sáng, làm hết mình nhưng quan trọng là phải hiểu hoàn cảnh của từng học sinh để kịp thời động viên, uốn nắn.

Nhờ sự dìu dắt, dạy bảo của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hối, đã có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp THPT, hàng trăm học sinh đã và đang theo học tại các trường đại học trên cả nước. Trường đã có hàng chục cựu học sinh là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ... Khi được hỏi, “Hơn nửa đời người làm nghề “đưa đò”, thầy được gì ?”. Thầy Nguyễn Hối cười rồi đáp lại với niềm hãnh diện: “Tình thầy trò là phần thưởng lớn nhất mà cuộc đời và nghề giáo dành cho mình”.

Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy Hối đã đạt nhiều thành tích và được trao tặng nhiều danh hiệu, kỉ niệm chương. Năm 2010, thầy Nguyễn Hối vinh dự được nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú. Trong 3 người con của thầy, có 2 người từng đỗ thủ khoa và hiện cả 3 đều được giữ lại và tuyển dụng làm công tác giảng dạy nối nghiệp bố mẹ (2 người tại Trường đại học Y Dược  Huế và 1 tại Bộ môn vật lý Trường THPT chuyên Quốc Học Huế).

Liên Minh