TS. Phan Thanh Hải. Ảnh: L.Thọ
Tại phiên tiến cử các hồ sơ đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, việc bảo vệ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được các chuyên gia đánh giá thành công và xuất sắc nhất, TS. Phan Thanh Hải cho biết: Đó là cả quá trình chuẩn bị công phu trong gần 2 năm và tuân thủ tuyệt đối các quy trình nghiêm ngặt của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ khâu khảo sát, xin ý kiến chuyên gia, tổ chức hội thảo cấp quốc gia và làm hồ sơ phản biện. Thậm chí, ngay trước phiên bảo vệ chính thức này, hồ sơ của Thừa Thiên Huế cũng được các chuyên gia giàu kinh nghiệm tạo điều kiện để bảo vệ thử ở Thủ đô Hà Nội. Qua đó, chúng ta đã có thể điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ hơn.
Trong quá trình Thừa Thiên Huế thực hiện hồ sơ này, đơn vị đã có những thuận lợi như thế nào, thưa ông?
Sự thành công của Huế hôm nay có phần đóng góp công sức của rất nhiều người. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ là những người trực tiếp thừa hành, còn nữa là sự ủng hộ rất lớn của các chuyên gia hàng đầu trong nước và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Ở Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, có những người như ông Phạm Sanh Châu (Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, đại diện của Việt Nam tại Hội đồng chấp hành UNESCO), bà Trần Thị Hoàng Mai (Phó Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam); ở Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), có TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch MOWCAP… Họ là những người đã giúp đỡ Huế, đã tư vấn và hướng dẫn cách để chúng ta khắc phục những điểm còn hạn chế.
Dịp này, chúng tôi cũng xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam và các chuyên gia đã ủng hộ và đồng hành cùng Thừa Thiên Huế từ đầu đến cuối để chúng ta có được thành công này.
Việc hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu của MOWCAP có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc bảo tồn?
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được MOWCAP công nhận là Di sản tư liệu chắc chắn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý rất tốt để từ đó chúng ta có kế hoạch chiến lược phát huy giá trị của di sản này. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch chiến lược đó. Đến thời điểm này, Huế thực sự đã trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”, với các di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và nay thêm Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Ông có thể chia sẻ một vài điểm khác đặc biệt giữa di sản này và những di sản của Cố đô Huế đã được vinh danh trước đó?
Điểm đặc biệt của Huế là di sản nằm trong di sản - nghĩa là di sản này nằm trong di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được công nhận trước đó, nên rất có lợi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị.
Tuy nhiên, vì hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu, phải được bảo vệ tuyết đối tính độc bản, nguyên gốc nên việc bảo tồn phải đưa ra những quyết định cực kỳ nghiêm ngặt. Từ đây, các công trình di tích Huế có trang trí thơ văn thì không còn là một di sản đơn thuần nữa mà đã là một phần ký ức của nhân loại. Trong quá trình trùng tu các công trình di tích, tính nguyên gốc được đòi hỏi phải được bảo vệ một cách tốt nhất.
Còn cách để tuyên truyền, quảng bá rộng hơn thì thế nào, thưa ông?
Việc tuyên truyền, quảng bá hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng rất đặc biệt, ở chỗ nó sử dụng chữ Hán - thứ ngôn ngữ mà hiện nay không còn nhiều người am hiểu. Nhiệm vụ của người bảo tồn là phải làm sao để đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng, du khách và di sản phải thực sự được phát huy giá trị. Tôi cho rằng, nhiệm vụ này không hề dễ dàng.
Với xuất phát điểm hiện nay, theo ông chúng ta đang có thuận lợi gì để phát huy giá trị của di sản tư liệu này?
Điểm thuận lợi lớn nhất là từ rất lâu rồi những người làm công tác bảo tồn qua nhiều thế hệ đã ý thức được giá trị đặc biệt của di sản này và tiến hành bảo vệ, ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa… Nhờ đó, hiện nay toàn bộ khoảng 2.700 ô hộc thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được chuyển ngữ hoàn toàn sang chữ quốc ngữ. Vấn đề của chúng tôi bây giờ là chọn lựa nội dung và chọn lựa cách phù hợp để giới thiệu.
Trong quá trình thực hiện hồ sơ này, chúng tôi cũng đã phối hợp với các trung tâm sản xuất truyền hình để lưu giữ toàn bộ hình ảnh liên quan đến di sản thơ văn này. Từ khối tư liệu này, chúng tôi sẽ xây dựng thành những đoạn phim, clip, video… làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị làm văn hóa và các trường học.
Bảo tồn di sản chỉ có ý nghĩa khi di sản ấy được đưa đến với cộng đồng. Với di sản này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chọn những cách nào để giới thiệu với công chúng, thưa ông?
Có thể sẽ khó với nhiều người nhưng chúng tôi dự kiến chọn một số cách phù hợp để thực hiện trong thời gian tới. Trong kỳ Festival Huế 2012, chúng tôi đã từng thực hiện một cách làm độc đáo là dựng hẳn một chương trình nghệ thuật lớn mang tên “Thiên hạ thái bình”, trong đó hoàn toàn sử dụng phần thơ văn trên điện Thái Hòa để thể hiện lời dẫn và nội dung ngôn ngữ của chương trình. Bằng cách này, chúng tôi đã quảng bá đến mọi người về tư tưởng độc lập dân tộc, đất nước và niềm mong nhân dân no ấm, xã hội thái bình của các vua Nguyễn.
Chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch chiến lược để giới thiệu di sản này vào trường học trên địa bàn tỉnh với những nội dung đơn giản, cách tiếp cận dễ hiểu. Các em học sinh chính là những thế hệ tương lai tiếp tục nắm bắt giá trị những di sản này để gìn giữ, bảo tồn nên bằng cách này chúng tôi hy vọng có thể từng bước bồi dưỡng tốt hơn lòng tự hào về di sản trong các em. Một cách làm khác mà chúng tôi cũng sẽ lưu ý là giới thiệu di sản này trên các trang mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Thêm một cách rất quan trọng nữa là chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khối đồng văn có những di sản tương tự, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Qua đó, chúng ta có thể chia sẻ được rất nhiều kinh nghiệm qua cách họ giới thiệu và đưa những giá trị truyền thống đến với thế hệ đương đại như thế nào?
Ngay trước phiên khai mạc, chúng tôi đã cố gắng sắp xếp để 12 thành viên Ban Chấp hành MOWCAP đi thăm Quần thể Di tích Cố đô Huế, trong đó có những điểm quan trọng tập trung nhiều thơ văn trang trí trên kiến trúc. Các đại biểu đánh giá rất cao di sản của Huế nhưng cũng nói rõ việc bảo tồn chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa của Huế. Vì vậy, chúng ta phải có một giải pháp phù hợp thì mới bảo tồn được.
Theo tôi, để có được kế hoạch chiến lược này, chúng ta không chỉ cần mức đầu tư khá lớn mà còn phải tranh thủ được ý kiến của các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Cố đô Huế có thế mạnh về “Di sản trong di sản”, theo ông tiếp theo hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, chúng ta có thể nghĩ đến những “di sản tiềm năng” nào?
Đúng là Huế vẫn còn nhiều giá trị văn hóa rất tiềm năng. Theo tôi, những lĩnh vực mà chúng ta có thể hướng tới tiếp theo, như: Ẩm thực Huế, ca Huế (phi vật thể); mộc bản Phật giáo (tư liệu) và cảnh quan văn hóa của quần thể di tích (vật thể)...
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
ĐỒNG VĂN (Thực hiện)