- Uổng!

- Sao uổng?-Tôi hỏi

- Vì chỉ thấy… người và xe

- Cha này lẩm cẩm. Thì làm cầu là để phục vụ giao thông, cho người đi, xe chạy. Có người, có xe là vui, là quý. Răng lại còn uổng?!!-Tôi chưa hết thắc mắc.

- Thì vậy mới uổng. Ông có biết ý nghĩa của cây cầu Trường Tiền với Huế không? Lịch sử thăng trầm của cây cầu và chỗ đứng của nó cho thơ, cho nhạc…? Vậy mà giờ đây, nó gần như chỉ được biết đến như một thiết chế giao thông bình thường, một phối cảnh cho người ta chụp vài ba tấm hình lưu niệm. Thế không uổng à? Theo chỗ thấu biết của tôi, hình như chưa ai quan tâm đưa du khách đến đây, thuyết minh cho họ hiểu, cho họ cảm về cây cầu nổi tiếng này của Huế. Đó chẳng phải là một sự phí phạm?


Cầu Trường Tiền. Ảnh: Diên Thống

 Câu chuyện cứ vậy bắc cầu sang chợ Đông Ba, sang khách sạn Morin, sang các phủ đệ của ông hoàng bà chúa một thuở. Chợ Đông Ba mới chỉ được biết như một trung tâm thương mại, nơi phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách sau khi thăm thú đền đài lăng tẩm. Khách sạn Morin cũng hầu như mới dừng ngang điểm phục vụ lưu trú đơn thuần. Hệ thống các phủ đệ thì quanh năm suốt tháng im lìm, đơn giản chỉ là nơi thờ tự, nơi sinh hoạt của các tư gia... Tài nguyên du lịch ngay giữa lòng phố thị bị “lãng quên”, bị phí hoài như vậy chẳng đáng tiếc lắm ư?

- Nhưng các “ngài” đã tìm hiểu kỹ chưa? Biết đâu cũng đã có doanh nghiệp du lịch đưa khách đến tham quan, giới thiệu mà mình không biết.

- Tất nhiên không loại trừ, nhưng nếu có thì nó cũng lẻ tẻ, cá biệt mà chưa thường xuyên, chưa quy củ. Ông đã chẳng từng giới thiệu nhà Công tử ở Bạc Liêu trên báo đấy ư. Dù có thể không lưu trú, nhưng ai đến Bạc Liêu cũng phải ghé qua; gia đình nào, đơn vị nào có khách đến thăm cũng đưa đến để giới thiệu…

Tôi đuối lý. Nhưng rồi lại chợt tự…an ủi, có thể do Huế mình có quá nhiều điểm đến nên những Trường Tiền, Đông Ba, Morin…thôi, tạm chấp nhận… xếp hàng chờ vậy.

Hiền An