“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”- đó là đúc kết từ bao đời của cha ông ta. Thực tế cuộc sống, bất cứ ai, giỏi bất cứ nghề gì có ích cho xã hội và có tâm với nghề đều được trân trọng và tôn vinh. Người xưa vốn rất trọng nghề và nghề cũng nuôi sống được thợ. Hiện nay, với tâm lý ai cũng mong con mình học cao và cánh cổng vào đại học rộng mở nên trường nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng của lớp trẻ. Hệ lụy của nó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều. Với những lao động “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ” này các doanh nghiệp rất ngại tuyển dụng, bởi làm thầy thì họ không đủ khả năng và doanh nghiệp cũng không có nhu cầu. Làm thợ thì họ lại không có tay nghề và thường hay bỏ việc, nhảy việc, doanh nghiệp vừa mất công đào tạo vừa bị động về lực lượng.

Ở một góc độ khác, việc đào tạo nghề hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Các trường, trung tâm dạy nghề tuy có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng thường dạy cái mình có, chưa bắt kịp theo xu hướng phát triển của thị trường; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Chính điều này gây khó khăn cho học viên trường nghề trong việc tìm kiếm việc làm.

Trước nhu cầu đào tạo nghề hiện nay, giai đoạn 2011-2015, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo hơn 80 nghìn học sinh, sinh viên (đạt 105% so với kế hoạch). Trong 5 năm tới (2016 – 2020), tỉnh đề ra chỉ tiêu tuyển sinh 47.500 lao động vào học nghề ở các bậc từ sơ cấp đến cao đẳng, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đạt 68% vào cuối năm 2020. Việc đẩy mạnh công tác dạy nghề ở tỉnh đã góp phần đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề; nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, việc đổi mới cơ bản, mạnh mẽ về công tác dạy nghề là vấn đề cần được quan tâm, nhằm tạo ra động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động hiện nay và hội nhập quốc tế. Trong đó, tăng cường gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, khu vực, các vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền, dự báo nhu cầu lao động xã hội, định hướng thông tin để người lao động có sự lựa chọn nghề phù hợp.

Hoàng Giang