Trúng vụ cá lớn

Vào “mùa trăng” cũng là thời điểm nhiều tàu đánh bắt xa bờ trở về “nghỉ ngơi”, tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy móc, thiết bị, ngư lưới cụ chuẩn bị cho hành trình vươn khơi mới. Câu chuyện của chúng tôi với ngư dân mới đây đều xoay quanh việc Trung Quốc ngang nhiên áp lệnh đánh bắt cá trên biển. Tưởng chừng đây là mối lo ngại lớn, nhưng hoàn toàn ngược lại khi hầu hết ngư dân đều khẳng định rằng “biển đảo của ta, đánh bắt hay không do ta quyết định”.

Chủ tàu Nguyễn Văn Hối ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) nói: “Ngư dân bao đời nay sinh sống, nuôi con khôn lớn, ăn học đều dựa vào nghề biển. Giờ đây chỉ những chuyện không đâu (ý là cá chết bất thường, Trung Quốc cấm đánh bắt) mà nhụt chí, e ngại thì lấy gì mà sinh sống. Bám biển, bám ngư trường để thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, xã hội cũng là cách thể hiện tình yêu Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh hải quê hương. Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, tôi cũng động viên anh em bạn thuyền vững tin, yên tâm bám biển”.

Bán cá tại bến

Từ khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường đến nay, tàu của ông Nguyễn Văn Hối cũng như nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn ra khơi, bám biển. Mặc dù giá hải sản có giảm (khoảng 25-30%), khó bán hơn so với bình thường nhưng hầu hết các chuyến biển đều có lãi. Mới đây, thông qua bộ đàm, các hệ thống mạng, ông Hối và nhiều chủ tàu biết tin Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt hải sản, nhưng tất cả đều không “nao núng”. “Làm gì cũng có luật pháp quy định. Đánh bắt trên ngư trường của chúng ta thì chẳng phải ngại gì cả… Thời điểm này vào “mùa trăng” nên tàu tạm ngừng đánh bắt. Vài ngày nữa sẽ tiếp tục”.

Cùng ý chí, chủ tàu Ngô Dần ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An quả quyết: “Sinh nghề, tử nghiệp. Đã theo nghề thì phải gắn bó, theo đuổi nghề đến cùng mới tồn tại. Bất cứ một thế lực nào cũng không thể ngăn cản nghề nghiệp truyền thống bao đời nay của ông cha ta”. Cũng theo ông Dần, trị giá mỗi chiếc tàu công suất lớn từ 4 tỷ đến 7-8 tỷ đồng là tài sản lớn đối với mỗi ngư dân. Được Nhà nước luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm, bám biển thì ngư dân càng quyết tâm vươn khơi, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận chia sẻ, việc Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá là vấn đề nhạy cảm. Khi nắm bắt thông tin, Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, vận động ngư dân ổn định tâm lý, yên tâm bám biển. Tính đến thời điểm này, ngư dân chưa gặp vấn đề lớn nào xảy ra. Gần đây, ngư dân trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, nếu gặp vấn đề xảy ra sẽ thông tin với cơ quan chức năng trên biển và đất liền, các đội tàu sẽ nhanh chóng đến hỗ trợ. Ngoài hệ thống liên lạc, các tàu đều có máy dò cá nên phần lớn các chuyến biển đều đánh bắt hiệu quả.

Số liệu mới nhất của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, đến nay toàn tỉnh có gần 300 tàu xa bờ có công suất từ 90CV trở lên và khoảng 1.945 chiếc thuyền, gọ gần bờ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - ông Lê Trần Nguyên Hùng xác nhận, đến thời điểm này, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ đều hoạt động bình thường. Sở cũng như các cơ quan chức năng chưa nhận được phản ánh nào từ phía ngư dân về việc gặp khó khăn trong đánh bắt hải sản xa bờ, kể cả ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Chúng tôi phối hợp với các địa phương, ban ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền với ngư dân yên tâm bám biển; nếu gặp bất cứ khó khăn nào cần hỗ trợ thì báo ngay đến cơ quan chức năng có biện pháp xử lý…

Bài, ảnh: Hoàng Triều