Sáng 29-2, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tiếp tục làm việc phiên cuối và bế mạc. Trong hai ngày rưỡi làm việc, gần 700 lượt ý kiến phát biểu tại 40 tổ thảo luận đều thống nhất khẳng định NQ Trung ương 4 đã chọn đúng và trúng các vấn đề cấp bách, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp có tính khả thi để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Khắc phục tính hình thức

Diễn ra từ ngày 27-2, hội nghị có sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ gồm tất cả ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên BCH Trung ương và toàn thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lẽ đây cũng là hội nghị lớn nhất về phổ biến một nghị quyết chuyên đề của Trung ương từ trước đến nay.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Tổng Bí thư trực tiếp truyền đạt, quán triệt, chỉ đạo thực hiện NQ Trung ương 4 và Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thực hiện NQ. Các đại biểu cũng đã nghe phổ biến và thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo: Kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện NQ; Hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình; Hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm”; Hướng dẫn Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, hội nghị cũng đã nghe phổ biến và góp ý kiến vào các dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện NQ của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh : TTXVN

Trong các ngày diễn ra hội nghị, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân, qua báo chí và dư luận xã hội, biểu thị sự đồng tình, tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao; khắc phục những bất cập của công tác cán bộ; khắc phục cơ bản tính hình thức trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, chế độ tự phê bình và phê bình.

Có chính sách cán bộ hợp lý

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp, phân tích một số vấn đề cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc để triển khai thực hiện NQ Trung ương 4. Trong đó, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện NQ.

Theo Tổng Bí thư, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Do vậy, trong triển khai cần chuẩn bị thật tốt, hướng dẫn cụ thể về mục tiêu, quy trình, nội dung, bước đi, trong đó tập trung giải quyết cơ bản ba nội dung trọng tâm nêu trong NQ. Tổng Bí thư nhấn mạnh tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình và khẳng định quy trình thực hiện tự phê bình và phê bình tiến hành từ trên xuống dưới, không cắt khúc, cần phải làm thường xuyên.

Tổng Bí thư cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ. Phải có cơ chế lựa chọn thật khách quan, khoa học để chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách cán bộ hợp lý để cán bộ yên tâm công tác, tận tụy cống hiến, phụng sự đất nước. Trong thời gian tới, đồng thời với quá trình triển khai thực hiện NQ, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị; thực hiện chế độ cung cấp thông tin để cán bộ nhận thức đúng tình hình, giữ vững lập trường chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng và con đường đi lên của dân tộc.

3 NQ Trung ương 4 chỉ ra ba vấn đề quan trọng, cấp bách nhất về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, trong đó xác định vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Đó là:

(1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

(2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

(3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

4 Trên cơ sở xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nêu trên, NQ Trung ương 4 chỉ ra bốn nhóm giải pháp:

(1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên.

(2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng.

(3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách.

(4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Những cảnh báo không thể xem thường

Chúng ta đã tiến hành công tác xây dựng Đảng thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động tiêu cực vào sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây thực sự là những cảnh báo không thể xem thường.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên
khai mạc hội nghị ngày 27-2)

TS (Theo TTXVN, chinhphu.vn) - phapluattp.vn