Cái thất thường nắng mưa con gái ở cái độ cao gần 1500 mét so với mực nước biển dường như vẫn không hề thay đổi như khi chúng tôi vẫn hằng quẩn quanh cõi nhân gian đông đúc phía dưới xa kia. Chúng tôi đi. Những bờ dốc giờ đã trắng xóa những sương là sương.


Bạch Mã mù sương - ảnh từ internet

Sương thậm chí còn đuổi theo lưng chúng tôi, như muốn gắng xóa đi cái ranh giới mong manh thực tại giữa con người và thiên nhiên hoang dã. Miệng chúng tôi đặc quánh sương. Hơi thở phả ra cũng lốm đốm những vệt sương. Tất cả như tạo như đã tạo nên một khoảng trống, một khoảng trắng lạ kỳ, như đẩy chúng ta rơi, rơi mãi. Và trong khoảnh khắc ngập sương đó, ta bỗng bồng bềnh nhặt lượm những ngôn ngữ vô ngôn. Để rồi thấy mình lăn mãi, lăn mãi như một ký ức vo tròn của ngày lãng đãng.

Đám sương cuối cùng cũng qua đi và thay vào đó là những tia nắng long lanh đến bát ngờ. Nắng dường như cũng không đủ cái nồng ấm sau khi men qua lớp sương dày đặc ấy, tiếp tục đi qua những tán cây rậm, để đến với chúng tôi là những đám pháo-bông-nắng lung linh đủ màu. Nó không những xuyên qua những tàn cây, mà còn xuyên qua lớp màn ngăn nào đó trong vạt ký ức lặng lẽ vốn chỉ hiện diện khi con người rơi trong cô đơn. Vậy là chợt bùng lại thứ ký ức vàng mật ấy. Thứ ký ức đi qua cuộc đời của mỗi con người mà có lúc ta lại tưởng nó nằm lại bên những con dế, bên những chiếc chiếc xe tí hon chạy bằng…con bọ xít, và bên cả những nỗi buồn trong veo lơ đãng như buổi sáng của những ngày đã trôi.

Vậy là ký ức nắng cũng lại về bên ký ức rong ruổi của một phần đời người. Nắng lại làm tôi nhớ về cái nắng của một tuổi thơ tâm hồn. Dạo đó, tôi dang học cấp II. Buổi sáng sớm, tôi cùng với ba thường hay lên những vạt đồi ở Chín hầm để cào lá thông và cũng thường bắt đầu “mùa” cào lá vào khoảng cuối tháng 4 này. Con đường lên Chín Hầm cũng chưa được trải nhựa như bây giờ.
 

Bình minh trên đỉnh Bạch Mã - ảnh từ internet
 
Chúng tôi không đi ngược lên đường Điện Biên Phủ rồi theo đường lên nghĩa trang thành phố, mà đi theo ngả về nghẹo Giàng Xay, lên xóm Hạ Lúa, dắt xe băng qua một khu nghĩa địa rồi mới lên con đường đến Chín hầm. Như vậy tiết kiệm được cả nửa quãng đường. Và chúng tôi di cào lá khi nào rời khỏi nhà cũng vào lúc gần 4 giờ sáng. Như vậy, hai cha con tôi cùng 2 chiếc xe đạp rong ruổi trên nẻo đường ấy để rồi như là những người hạnh phúc nhất, khi mình được đón ánh bình minh đầu tiên của một ngày trong cái không gian tinh khiết nhất của núi rừng.
 
Khó có có lời nào diến tả khi đón những tia nắng đầu tiên của một ngày đang len dần qua những ngọn thông, qua những chiếc lá bé nhỏ còn ngân ngấn những giọt sương đêm. Cả cái không gian hoang sơ như cuộn vào trong ngọn nắng đầu tiên ấy. Tiếng chim ban mai nghe ngọt lịm một cách lạ lùng, cứ như tiếng hót của chúng đã trong hơn, mơn man hơn sau khi uống được những tia nắng đầu tiên ấy. Rồi tia nằng vượt qua những rừng thông, chiều lên mặt đường còn ẩm hơi sương và gồ ghề những mảnh đá. Cả một rừng tóc xanh lớt phớt vàng khiến cho không gian phía trước mặt bỗng như một niềm bí mật mà chúng tôi càng đi tới, chúng lại từ từ hé mở.
 
Trong làn hơi sương mỏng mảnh bay lên, những ngọn cỏ xanh mướt và mềm mại hẳn đi như vừa qua một giấc mơ hạnh phúc. Những chiếc bánh xe dổ dài chia từng khoảng nắng. Nắng xoay quanh chúng tôi, đậu lên những chóp mũ và phà vào chúng tôi cái rạo rực của mùa đang trôi đi trong từng giây phút. Cái mệt vì phải dắt xe qua nửa ngọn đồi bỗng tan biến mất, chỉ còn một nỗi lâng lâng quay tròn thời gian, quay tròn cả cái không gian hiện hữu ban tặng nỗi miên man về một ngày thật đẹp. Và cái đẹp dã trở thành một nỗi ám ảnh của ký ức tuổi thơ trong tôi.
 

Lau trắng với ngàn mây - ảnh từ internet
 
Giờ đây, trong cái ngỡ ngàng nắng Bạch Mã, cái ký ức tuổi thơ lại hiện rõ đến lạ kỳ. Nó như đang lơ lửng ở một góc khuất nào đấy, hay đang lơ lửng ở giữa cái ngun ngút độ cao và ngờm ngợp hơi nắng hơi sương . Lên Bạch Mã, tôi lại như được nhìn lại một tuổi thơ của mình, một tuổi thơ lãng đãng về một tuổi thơ khác. Và với Bạch Mã, nó sẽ hiện ra trong sương trong nắng trong mưa như là tuổi thơ ký ức hoang sơ và thánh thiện của thiên nhiên và của cả con người.
 
Có nhà văn nhà thơ cũng từng than thở: viết mãi rồi cảm xúc cũng chai sạn. Nhưng phải chăng, cảm xúc là những ký ức vẫn nằm sâu nơi nào đó của tâm hồn. Nó sẽ mờ đi, chai sạn đi khi ta cố tình tạo nên những- ký - ức - không - thật. Còn ở đây, trước cái không gian Bạch Mã như huyền thoại này, khi mà mỗi người “gần” với chính bản thân mình nhất, ký ức sẽ mãi là suối nguồn tươi trẻ kéo ta đi…
 
Lê Tấn Quỳnh