Vị thế của phụ nữ trong xã hội

Trong vòng 5 năm, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách đồng bộ. Phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2010-2015 là 811/4.552, chiếm tỷ lệ 17,8%. Nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 là 799/4190, chiếm tỷ lệ 19%. Giảm khoảng cách nữ giới trong lĩnh vực việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Trong đó, lao động nữ được giải quyết việc làm mới là 39.175 người, chiếm tỷ lệ 47,2%. Số phụ nữ làm chủ hộ ngày càng tăng, có 933 doanh nghiệp do nữ làm chủ,  nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ ngày càng được nâng lên.

Tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn

Thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam được rút ngắn xuống, ở một số địa phương, chỉ tiêu này được rút ngắn xuống gần 2 lần so với nam giới. Tỷ lệ phụ nữ thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ngày càng cao. Tỷ lệ nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là 60,4%; tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình là 45,1%. Giai đoạn 2011-2015, số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng là 60 người, chiếm tỷ lệ 100%.

Cần sự sẻ chia

Bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn khá phổ biến. Trong gia đình, thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới. Ngoài công việc làm kinh tế, phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái nên ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội. Sự phân biệt đối xử nam nữ còn khá phổ biến dẫn đến các vụ bạo hành gia đình đáng tiếc vẫn còn. Phụ nữ còn tự ti, an phận, cam chịu và chấp nhận với những định kiến giới tồn tại trong xã hội. Phong tục, tập quán lạc hậu theo kiểu “xuất giá tòng phu”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… còn khá phổ biến ở nhiều nơi là một trong những nguyên nhân cản trở mục tiêu bình đẳng giới. Ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn nặng nề quan niệm con trai hơn con gái, công việc gia đình là trách nhiệm của riêng phụ nữ, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống… nên việc đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được chú ý và quan tâm nhiều như với trẻ em trai.

Xã hội ngày càng hiện đại, quan niệm về bình đẳng giới trong gia đình đang dần được nam giới nhìn nhận với góc độ thoáng hơn. Biết “một nửa” của mình ngày ngày phải đón nhận những áp lực không nhỏ từ công việc xã hội, nhiều người đàn ông đã tự thay đổi cách nghĩ “chồng chỉ làm việc lớn” bằng tư duy tiến bộ rằng “việc nhà là trách nhiệm chung”. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nam giới tự đặt mình vào vị trí người chủ trong gia đình để rồi mặc nhiên cho rằng, việc chăm sóc tổ ấm là trách nhiệm của người phụ nữ. Thế nên, những công việc không tên trong gia đình đã và đang khiến nhiều phụ nữ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Cán cân bình đẳng đã lệch từ chính những công việc tưởng chừng rất nhỏ ấy trong gia đình. Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, họ cần nhận được sự giúp đỡ từ bạn đời để có thể chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ mà không chịu quá nhiều áp lực.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các địa phương khi áp dụng các chính sách và biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình cần có những bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Hội phụ nữ các cấp cần phát huy vai trò của mình, có sự quan tâm kịp thời, có biện pháp thúc đẩy chị em tham gia các hoạt động xã hội và các lớp tập huấn về giới, nâng cao vai trò và năng lực cho chị em. Giải thích để các thành viên trong gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình: Tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ công việc, cùng bàn bạc và ra quyết định. Cùng với đó, cần đưa giáo dục về bình đẳng giới ngay trong nhà trường để nâng cao nhận thức của các thế hệ tương lai.

Yếu tố quyết định sự bình đẳng trong gia đình vẫn là người phụ nữ. Các chị cần phấn đấu học tập nhằm nâng cao kiến thức, trình độ về những lĩnh vực hoạt động và công việc mà mình đang tham gia. Sức khỏe tốt cũng là một trong những yếu tố giúp phụ nữ  gánh vác vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình. Mỗi chị  phải tự tạo công việc cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp phù hợp. Có việc làm, thu nhập ổn định và đáp ứng nhu cầu cuộc sống sẽ là yếu tố quyết định vị thế của phụ nữ  trong gia đình và xã hội.

Huế Thu