Tại hội sở chính Chi nhánh Huế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khu vực giao dịch tiền gửi khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong buổi sáng một ngày cuối tháng 5 hầu như không có khách hàng gửi USD. Đa số các giao dịch đều gửi, vay tiền đồng Việt Nam và một số các giao dịch khác, như làm thẻ ATM, đăng ký thanh toán tiền điện, nước, chuyển khoản, rút tiền…

Giao dịch tại các ngân hàng khá ổn định

Bà Bùi Thị Hồng Phương, Kế toán trưởng Vietcombank - Chi nhánh Huế, nhiều năm làm công tác liên quan đến xuất nhập khẩu khẳng định, giao dịch tại Vietcombank Huế không có nhiều biến động, dù đây là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất về giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Bà Phương cũng cho hay, thời điểm sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lãi suất gửi USD về 0 đồng, huy động tại Vietcombank Huế còn tăng hơn trước. Cụ thể, tổng số dư tăng từ 19,7 triệu USD lên 20 triệu USD, song biến động này chỉ dừng lại một vài thời điểm, đến nay, giao dịch tiền gửi USD khá ổn định và gần như không có tình trạng khách hàng rút tiền USD trước hạn để đổi sang tiền đồng.

Giao dịch cho vay cũng tương tự, hiện Vietcombank Huế vẫn giữ số dư ổn định khoảng 30 triệu USD ở khoảng hơn 20 doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Tại Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh tỉnh, ông Đinh Quang Hưng, Giám đốc cho hay, chỉ một vài khách hàng rút tiền sau khi đến hạn. Song, lĩnh vực này chưa phải là thế mạnh của chi nhánh nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cũng như nguồn huy động, cho vay.

Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh, số dư tiền gửi tuy theo chiều hướng giảm, từ 120.000 USD xuống còn 80.000 USD hiện nay và khoảng 60.000-70.000 USD dư nợ cho vay, so với hơn 130.000 USD thời điểm trước, song theo nhận định của lãnh đạo Agribank Thừa Thiên Huế đây là xu hướng tất yếu và ngân hàng có khoản thu chênh lệch đổi USD từ phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau khi nhận tiền thanh toán từ nước ngoài nên không ảnh hưởng nhiều đến tổng nguồn huy động, cho vay.

Theo một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, giao dịch USD không nhiều biến động là do lãi suất tiền gửi từ trước đó chỉ 0,25% nên người gửi không thua thiệt nhiều khi lãi suất về 0 đồng. Đa số người giữ USD và gửi ngân hàng đều rất ít vì mục tiêu hưởng lợi lãi suất; chủ yếu là phục vụ các mục đích khác, như đi du lịch, đầu tư cho con cái du học…

Giao dịch USD tại các ngân hàng TMCP không có nhiều biến động lớn

Với doanh nghiệp, đa số là giao dịch vay để thanh toán hóa đơn nhập khẩu từ nước ngoài. Riêng xuất khẩu, theo quy định chỉ được vay bằng tiền đồng để thanh toán. Sau khi đối tác chuyển USD để thanh toán, doanh nghiệp buộc phải đổi ra VNĐ tại ngân hàng cho vay để chi trả các khoản vay.

Lãi suất vay USD hiện không cao so với tiền đồng, ở một số ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, bình quân bằng các gói ưu đãi tín dụng, khoảng 6,5%/năm.

Lý do khác khiến giao dịch USD không nhiều biến động cũng theo một lãnh đạo ngân hàng là thị trường Thừa Thiên Huế không có nhiều nhà đầu tư lớn. Lâu nay, người gửi USD chủ yếu từ nguồn nước ngoài gửi về cho người thân. Loại tiền này nếu giữ lâu ngày sẽ bị úa màu, khó giao dịch nên người dân thường chỉ giữ một thời gian nhất định.

Tại thị trường tự do, hoạt động mua bán USD và các ngoại tệ khác diễn ra bình thường. Theo quan sát của chúng tôi, ở hầu hết các tiệm vàng đều đổi USD khi khách hàng có nhu cầu, dù đây là hoạt động chưa được cấp phép.

Khi liên hệ với Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Nguyễn Tạ Hiền bằng nhiều hình thức khác nhau để xin nắm số liệu liên quan đến hoạt động giao dịch, trao đổi, mua bán USD, chúng tôi chưa nhận được sự hợp tác. Các phó giám đốc cũng từ chối cung cấp thông tin do chưa có sự ủy quyền, chỉ đạo từ giám đốc. Đây cũng không phải lần đầu tiên chúng tôi gặp tình trạng này.

Bài, ảnh: Tâm Huệ