Điều đáng nói là, khi ông Thời có đơn khiếu nại về vấn đề trên gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, là UBND huyện, thì được Thanh tra huyện trả lời tại Công văn số 01/PHD-TTr, ngày 1/2/2012, nội dung: việc khiếu nại của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, và hướng dẫn ông Thời gửi đơn khiếu nại đến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để được giải quyết theo qui định của pháp luật (!?).

Việc áp giá chưa hợp lý

Thực hiện dự án, theo Quyết định (QĐ) số 4203/QĐ-BQP ngày 29/10/2011 của Bộ Quốc phòng về xây dựng tuyến đường 74 (giai đoạn 2), việc thu hồi đất, UBND huyện đã căn cứ vào các QĐ số 18/2011 ngày 01/6/2011 của UBND tỉnh qui định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; QĐ số 369/QĐ-UBND ngày 30/01/2011 về đơn giá cây trồng, vật nuôi... làm cơ sở xác định bồi thường; QĐ số 47/2010/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 về giá các loại đất năm 2011 thuộc địa bàn tỉnh. Trên cơ sở biên bản kiểm kê giải phóng mặt bằng của các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng thuộc dự án, UBND huyện ban hành QĐ số 1780/QĐ-UBND ngày 1/11/2011 phê duyệt diện đủ điều kiện và không đủ điều kiện đền bù về đất, áp giá bồi thường về đất, tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng.

Đất ở địa hình như thế này không thể trồng cây hàng năm, nên ông Thời lựa chọn trồng cao su.

Đối với hộ gia đình ông Thời, đất được giao theo Giấy CNQSDĐ là đất rừng sản xuất (RSX), vị trí 1, diện tích bị thu hồi là 18.931m2, giá quy định bồi thường cho loại đất này là 2.600đ/m2. Trên thực tế, ông Thời trồng cây cao su, xác định từ 3-4 năm. Đối chiếu với quy định thì giá trị đền bù là 90.000đ/cây.

Tương tự, gia đình ông Blúp Choh bị thu hồi 3.978,4m2 đất vị trí 1, có rừng trồng keo các loại đã 2 năm, loại d: từ 7<10 cm, và loại từ 10<13cm, trồng cao su 1 năm; một số diện tích đất khác thì trồng lúa nương, lúa nương xen keo, lúa nương xen cao su... Gia đình ông Hồ Văn Xiên, diện tích đất thu hồi 3.431,1m2 vị trí 1, có RSX trồng keo 1 năm và 2 năm, và đất trồng lúa nương xen keo... nhưng UBND huyện cũng áp giá bồi thường 2.600đồng/m2? Trong khi đó, theo qui định thì đất lúa nương vị trí 1: 10.800đ/m2, vị trí 2: 8.400đ/m2, vị trí 3: 6.600 đ/m2.

Người dân phản ánh mương nước bị làm hư hại do đơn vị thi công đường, ảnh hưởng sản xuất của các hộ thôn A ho, xã A Roàng.

Mặc dù các hộ nêu trên, được cấp Giấy CNQSĐ là “đất RSX”. Nhưng đất của họ địa hình phức tạp, núi cao, họ không sản xuất cây nông nghiệp hàng năm được, thực tế họ đã trồng cao su, keo các loại.. chỉ một số ít diện tích đất trồng lúa nương, nhưng UBND huyện vẫn áp giá bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đất nông nghiệp bị thu hồi, mức giá 2.600đ/m2, là không đúng với thực tế đất các hộ dân trồng cây lâu năm và trồng lúa nương, nên có phần thiệt thòi cho họ.

Cần xem xét lại việc áp giá và giải quyết khiếu nại

Cây cao su, cây ăn quả, các cây lâu năm khác, UBND huyện áp giá đối với các hộ bị thu hồi theo đơn giá của UBND tỉnh quy định, ban hành kèm theo QĐ số 369/QĐ-UBND ngày 30/01/2011. Theo bản phụ lục ban hành kèm theo QĐ nói trên, UBND tính giá trị đền bù các loại cây trồng, có phân định các thời kỳ như “thiết kế cơ bản”, “thời kỳ kinh doanh”, “thời kỳ vườn cây già cỗi”, và đối với từng loại cây, thì quy định các thời kỳ sinh trưởng để áp giá bồi thường. Theo đó, khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan chức năng xác định các loại cây trồng trên đất bị thu hồi thuộc diện nào, thì áp giá bồi thường theo diện đó. Ví dụ, cây cao su (thời kỳ trồng, chăm sóc 1-2 năm) bị thu hồi đất, thì áp giá bồi thường 60.000đ/cây, hoặc 30.000.000đ/ha. Cũng cây cao su trồng, chăm sóc từ 5 đến 6 năm, thì bồi thường 126.000đ/cây hoặc 63.000.000đ/ha là xong, mà không tính đến giá trị cây đã bắt đầu cho khai thác mủ, và thời gian khai thác mủ có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, người dân không được hưởng giá trị do mình đầu tư mất đi do bị thu hồi đất. UBND huyện cần chủ động xem xét, đề xuất với UBND tỉnh, tháo gỡ những vướng mắc, những bất hợp lý mà các hộ dân còn khiếu nại về áp giá bồi thường, tránh thiệt hại cho các hộ dân.

 

Mặt khác, đơn khiếu nại của ông Thời về việc áp giá bồi thường được Thanh tra huyện trả lời không rõ ràng như đã nêu trên, chứng tỏ phản ánh “không được giải quyết việc khiếu nại” của người dân là có căn cứ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới:
 
“Giao loại đất nào thì áp giá đúng theo đơn giá quy định cho loại đất ấy”
 
UBND huyện áp giá bồi thường cho các hộ dân là đúng quy định, căn cứ vào mục đích sử dụng đất được giao và tài sản thực tế có trên đất bị thu hồi. Đất mà ông Thời được giao là đất rừng sản xuất, do đó khi thu hồi đất, UBND áp giá đúng theo đơn giá UBND tỉnh quy định cho loại đất này. Tóm lại, Nhà nước giao cho “anh” sử dụng đất vào mục đích gì thì khi thu hồi, Nhà nước sẽ đền bù theo đúng đơn giá áp dụng cho loại đất đó. Ông Thời chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà tự ý trồng cây cao su, thì ông tự chịu lấy.
 
Về áp giá đến bù cây cao su, huyện áp dụng theo khung giá của UBND tỉnh quy định. UBND tỉnh ra khung giá đó là đã tính các chi phí đã đầu tư vào, chi phí một số vấn đề thiệt hại liên quan. Bây giờ, việc điều chỉnh giá chỉ có tỉnh mới có thẩm quyền.
 
Đối với phản ánh đơn vị thi công làm hư hỏng mương nước, ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân thôn A Ho, UBND huyện sẽ kiểm tra xem xét, yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục.
 
Ông Hồ Văn Thời:
 
“Không đồng ý vì áp giá bồi thường chưa phù hợp”
 
Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ)đất gia đình tôi ghi là đất rừng sản xuất (RSX). Tuy nhiên, chính quyền địa phương có chủ trương cho người dân trồng cây cao su. Thực tế các hộ gia đình chúng tôi đều có diện tích đất tại núi cao, địa hình phức tạp, mật độ dân số thấp, kết cấu hạ tầng và điều kiện sản xuất kém hơn vùng trung du, (như điểm c Điều 5 Quyết định 47/2010 ngày 20/12/2010 của UBND tỉnh xác định), do đó chúng tôi quyết định trồng cây cao su và các loại cây lâu năm khác như keo các loại, để có giá trị kinh tế cao (không trái với qui định của Luật Đất đai). Trồng cây cao su cần vốn và chi phí lớn, gia đình tôi phải thế chấp “thẻ đỏ” tại ngân hàng, vay vốn để trồng và chăm sóc cây. Cây cao su gia đình tôi trồng năm 2008, đến thời điểm bị thu hồi đất là 4 năm, nay bị phá bỏ, không có nguồn thu để trả nợ tiền vay.
 
Chúng tôi sử dụng đất của mình trồng cao su là lựa chọn thích hợp để thu được lợi ích kinh tế cao hơn, “lợi nhà, ích nước”, phù hợp với chủ trương của địa phương. Vậy nhưng, khi áp giá để bồi thường về đất và tài sản (cây cao su) trên đất, UBND huyện lại cho rằng, đất của gia đình tôi (cũng như các hộ có khiếu nại) là đất RSX, nên tính giá 2.600đ/m2 là không phù hợp, mà phải áp giá 8.200đồng/m2 như quy định (đất trồng cây lâu năm, vị trí 1) để bồi thường mới đúng. Cây 6 năm tuổi là bắt đầu khai thác và quá trình khai thác kéo dài 7 đến 15 năm.Chúng tôi đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét thực hiện cho hợp lý. Cây cao su gia đình tôi trồng đã 4 năm, sắp được khai thác mủ, nay bồi thường chỉ 90.000 đồng/ cây, là thiệt thòi cho người trồng.
 
Phạm Thùy Chi (ghi)