Học sinh tham quan triển lãm “Bác Hồ với di sản” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Địa chỉ ấm

Cách xa trung tâm thành phố nhưng Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nổ (Phú Vang) vẫn có sức hút với du khách, nhất là khách quốc tế. Ngôi nhà rường ba gian hai chái, mái tranh hòa mình giữa thiên nhiên, giữa cuộc sống của người dân quê đôn hậu chiếm trọn cảm tình của nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Giữa khung cảnh đơn sơ, yên bình, những câu chuyện giản dị về Bác càng tăng thêm sức thuyết phục.

Ông bà Sue và Hamley, du khách Úc xúc động: “Nơi đây quả là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Huế, giúp tôi hiểu hơn về tuổi thơ của một con người vĩ đại. Ngôi nhà đơn sơ quá, chắc hẳn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày khó khăn. Thật kỳ diệu ông đã trở thành lãnh tụ của Việt Nam, danh nhân văn hóa của thế giới”.

Nhà lưu niệm Bác Hồ cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương cho các bạn trẻ. Họ đến không chỉ để tham quan, tìm hiểu mà còn làm đẹp cho ngôi nhà này. Một buổi sáng, ngôi nhà của Bác rộn vang tiếng cười khi các em học sinh Trường Tiểu học Dương Nổ đến chăm sóc di tích. Khu vườn cũng trở nên xanh mướt với hàng cau thẳng tắp do đoàn viên của Chi đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và Đoàn cơ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Huế vun trồng.

Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Trường THCS Phú Dương tổ chức hoạt động tìm hiểu, khám phá cho các em học sinh tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ. Sau khi dâng hương, nghe lại lời căn dặn của Người, các em học sinh hào hứng tham gia thi vẽ tranh theo chủ đề “Thiếu niên với Bác Hồ”; tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Bác và tham gia nhận diện di sản qua hình ảnh…

Đoàn Thị Kiều Trinh, học sinh lớp 9B Trường THCS Phú Dương chia sẻ: “Chúng em trải qua buổi học ngoại khóa sôi nổi và thú vị. Không chỉ tạo cho em sự hứng thú, say mê tìm hiểu về tuổi thơ và cuộc đời hoạt động, về các di tích lưu niệm của Bác Hồ, hoạt động này khiến em thật sự hiểu hơn để thấy tự hào về mảnh đất quê hương – nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Bác Hồ. Từ đó, thấy mình có trách nhiệm phải giữ gìn di sản Bác Hồ đã để lại”.

Sưu tầm hiện vật

Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày các tư liệu, hiện vật gốc liên quan đến Bác Hồ. “Do bối cảnh lịch sử, phải đến sau năm 1975 mới tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh nên có rất nhiều hạn chế trong việc tiếp xúc nhân chứng, tiếp cận tư liệu, hiện vật gốc về Người. Thứ nữa, các di tích liên quan về Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế có thời gian tồn tại trên dưới 100 năm, trải qua nhiều biến động về chiến tranh, thiên nhiên, thay đổi chủ sở hữu… nên tư liệu, hiện vật gốc hầu như không còn. Bảo tàng đã phải sưu tầm hiện vật, hoặc phục chế để phục vụ trưng bày”, bà Hồng Hạnh cho hay.

Một ý kiến khác cho rằng, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thiếu nhiều hiện vật mang tính điển hình gắn với các sự kiện, những nhân vật lịch sử quan trọng của địa phương để tạo điểm nhấn. Hiện nay, các nhân chứng sống ở các tỉnh, thành khác khá nhiều; trong đó, nhiều nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao. Nếu không tiến hành sưu tầm nhanh thì sẽ mất đi cơ hội gặp gỡ khai thác và số lượng tài liệu, hiện vật ngày một mất dần theo năm tháng. Cũng cần nói thêm, hầu hết tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong Nhân dân, được bảo quản trong điều kiện tự nhiên nên nhiều hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một, hư hỏng.

Bà Đặng Thị Tư Hiền, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho biết: “Với công tác sưu tầm, việc xây dựng hồ sơ hiện vật, hồ sơ nhân chứng rất quan trọng. Đây là cơ sở dữ liệu đầu tiên và duy nhất để công tác lưu giữ và phát huy giá trị di sản được thực hiện thuận lợi. Bảo tàng cần tăng cường nghiên cứu xây dựng hồ sơ những nhân chứng từng vinh dự được gặp Bác Hồ. Nếu để chậm hơn, công việc sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện khi hầu hết nhân chứng đã già yếu. Đồng thời, cán bộ nghiệp vụ cũng phải nghiên cứu, xây dựng bổ sung nội dung cho hồ sơ hiện vật. Một hiện vật sống là hiện vật nói được nội dung giá trị của chính nó qua hồ sơ lưu trữ”.

Cũng theo bà Hồng Hạnh, để nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu, hiện vật gốc, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã lập kế hoạch sưu tầm dài hạn, gồm tư liệu, hiện vật cố định phục vụ cho trưng bày và tư liệu, hiện vật phục vụ cho nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cộng tác viên sưu tầm, cung cấp tư liệu, hiện vật cho bảo tàng nhằm mở rộng mạng lưới sưu tầm, tiếp cận tư liệu, hiện vật nhanh chóng và có hiệu quả.

Minh Hiền