Trao đổi với chuyên gia Ba Lan về những họa tiết khảm sành sứ sau hạ giải

Tích cực hợp tác quốc tế

Với sự ủng hộ của UNESCO, từ rất sớm, Thừa Thiên Huế xây dựng được mối quan hệ tốt với bạn bè quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có quan hệ hợp tác đối ngoại với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ, tiếp nhận sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật và tri thức khoa học. Nổi bật là những chương trình hợp tác lớn, như: Bảo tồn trùng tu Ngọ Môn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, chương trình nghiên cứu di tích Huế và nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh phối hợp với Viện Di sản Đại học Waseda - Nhật Bản, dự án bảo tồn Nhã nhạc do Chính phủ Nhật Bản tài trợ uỷ thác qua UNESCO, dự án bảo tồn phục hồi nội thất ở cung An Định (CHLB Đức tài trợ), dự án đào tạo kỹ thuật và trùng tu…

Quá trình hợp tác với các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực đã và đang nuôi dưỡng, đào tạo nên nhiều chuyên gia, nghệ nhân giỏi. Đây chính là nguồn nhân lực rất quan trọng để phục vụ chính công tác bảo tồn. Ngoài việc hỗ trợ vật chất, nhiều tổ chức hợp tác quốc tế còn dành sự quan tâm lớn đến việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực để đảm đương tốt hơn các công việc. Trong đó, nếu các dự án hợp tác với Đức, Ba Lan, Huế được đào tạo một nhóm thợ kỹ thuật có khả năng bảo tồn tranh tường và một số hình thức trên vật liệu gạch, đá, vữa, thì với Nhật, Huế được tiếp cận với kỹ thuật bảo tồn di tích trên kiến trúc gỗ; với Pháp lại là phương pháp nghiên cứu xây dựng trung tâm diễn giải về di sản; hoặc được chia sẻ với Hàn Quốc về Nhã nhạc, lễ hội... Chính sự đóng góp không nhỏ của các đối tác đến từ UNESCO và quốc tế đã giúp Cố đô Huế có được sự ủng hộ nhiều mặt trong khoa học bảo tồn, trở thành đơn vị bảo tồn di sản hàng đầu Việt Nam.

Tạo điều kiện cho thợ địa phương

Theo dõi nhiều công trình di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được trùng tu gần đây, dễ thấy đơn vị thi công chủ yếu là những cái tên quen thuộc, như: Công ty cổ phần Tu bổ Di tích Trung ương và Phân viện Khoa học Công nghệ và xây dựng Miền Trung… Theo đó, đội thợ của các đơn vị trực tiếp tham gia thi công các công trình tu bổ di tích cũng rất đa dạng; trong đó, có nhiều thợ giỏi ở miền Bắc vào.

Các vua Nguyễn từng triệu tập thợ giỏi trong cả nước để xây dựng Kinh đô Huế nên di sản Huế là tinh hoa của những bàn tay vàng khắp mọi miền. Với nhu cầu trùng tu di sản Huế hiện nay, đã từng có nhà khoa học bày tỏ ý tưởng về việc Huế nên làm một cuộc tái trưng tập những thợ giỏi khắp cả nước để thực hiện công cuộc này. Điều đó vừa phù hợp với lịch sử, vừa tận dụng được trí tuệ, tài hoa của lớp lớp thợ giỏi trong cả nước, vừa tạo cơ hội để đào tạo đội ngũ thợ ở địa phương, tạo điều kiện tốt nhất có thể để họ có thể làm việc trực tiếp tại các công trường và được truyền đạt kinh nghiệm.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Có nhiều điều phải rút kinh nghiệm, nhất là đào tạo được đội ngũ thợ có tay nghề trong việc phục hồi di tích. Song, các công trình kiến trúc di tích Cố đô Huế được trùng tu trong thời gian vừa qua, về cơ bản đã được Hội đồng Bảo tồn di tích quốc gia và các nhà khoa học đánh giá cao, đồng thời tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc khoa học và các tiêu chí của quốc gia và quốc tế về công tác bảo tồn, tu bổ di sản văn hoá. Đến nay, đã có khá nhiều thợ ở Huế tham gia trực tiếp vào việc bảo tồn di sản Huế và họ nắm vững kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực, như: sơn son thếp vàng, khảm sành sứ, chạm khắc mộc và sơn mài… Trong tương lai, chúng ta sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động nhân lực tại chỗ tham gia vào công tác bảo tồn di sản Huế. Với lực lượng hiện có, Huế đủ sức đẩy mạnh tiến độ trùng tu, phục hồi các di tích nếu có đủ nguồn vốn.

ĐỒNG VĂN