Lợi ích kinh tế

Cầm bình trà rót đầy từng tách nước, ông Hồ Đình Suốt thong thả kể: “Mấy năm trước nuôi cá thua lỗ, tôi nản lắm. Khi nghe cán bộ khuyến nông vận động trồng sen nuôi cá tôi chẳng mặn mà; nhưng là nhà nông nên không nỡ nhìn ruộng, ao bỏ hoang; xong việc ruộng, việc vườn cũng còn rảnh rỗi nên nhận lời. Ai ngờ, ngoài thành công trong canh tác, trồng sen nuôi cá còn cho tôi nhiều niềm vui khác”.

Xã Phú Xuân có gần 10 ha đất trước đây người dân làm ao nuôi cá. Sau một vài vụ nuôi gặp khó khăn đầu ra, kém hiệu quả nên hầu hết bị bỏ hoang. Năm nay, được huyện hỗ trợ kinh phí, trung tâm khuyến nông vận động được 4 hộ thực hiện thí điểm 1 ha mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá trên những vùng đất đang bỏ hoang. Sau 4 tháng, cả sen và cá đều phát triển rất tốt. Bà Đặng Thị Sen, một trong 4 hộ thực hiện mô hình sen – cá cho bieest: “Tui mới thu hoạch được hơn 10 kg hạt khô, thì được biết bên bao tiêu sản phẩm rất hài lòng. Gia đình cũng nấu thử, hạt sen bùi, thơm, béo.”. Vốn đầu tư mua giống sen, cá, phân, vôi hết hơn 10 triệu đồng/hộ, huyện hỗ trợ 70%. Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Trưởng trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phú Vang, sau nhiều lần tìm hiểu, trạm chọn giống sen truyền thống cho năng suất và chất lượng cao hơn các loại sen cao sản để thực hiện mô hình sen – cá; ước tính giá trị 1 kg hạt sen bằng 10 kg lúa. Quan trọng là đã tìm được đầu mối bao tiêu toàn bộ hạt sen cho người dân.

Việc trồng sen không khó với nhà nông, chỉ mất công ban đầu nạo vét ao trước khi trồng sen, rồi bón phân, vôi trước khi thả cá; đến trước ngày thu hoạch thì cho cá ăn mỗi ngày 2 lần nên công việc chẳng mấy vất vả. Trồng sen nuôi cá chỉ là việc làm thêm, công việc chính của họ vẫn là làm ruộng. Thế nhưng, ngoài nguồn lợi thu được từ sản phẩm, sự hỗ trợ qua lại của mô hình sen - cá còn giảm được nhiều chi phí khác. Các hồ sen là nơi thích hợp với sự phát triển của ốc bươu vàng, nhưng ấu trùng, trứng ốc và các loại côn trùng gây hại cho sen lại là thức ăn tốt cho cá, giúp giảm chi phí thức ăn và công diệt ốc. Hoạt động của cá giúp cây sen phát triển tốt hơn.

Đẹp cảnh quan, sạch môi trường

Ông Suốt giải thích, nếu chỉ nuôi cá thì phải sử dụng thức ăn bột 100%. Lượng thức ăn dư thừa đọng lâu ngày tạo thành tảo xanh, thậm chí thành tảo đỏ rất độc hại với các loài thủy sản. Trời mưa chúng phát tán gây ô nhiễm nguồn nước, mùa hè thì bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Bây giờ vấn đề đó đã giảm hẳn. Sen sau khi thu hoạch, cây tự phân hủy thành phân hữu cơ, tạo thêm dinh dưỡng tự nhiên cho đất bùn rồi lại tự phát triển trở lại. Cứ thế, sau 3 vụ mới thay gốc sen một lần, người trồng sen không mất nhiều công sức chăm sóc mà lợi nhuận khá hấp dẫn. Song song đó, các loại cá sẽ cho nguồn thu nhập dự kiến ngang với nguồn thu của sen.

Ông Trọng, có 2 hồ sen cạnh gia đình ông Suốt cho biết: “Để cây sen phát triển tốt, chỉ cần canh mực nước. Tùy theo giai đoạn phát triển của sen để điều chỉnh mực nước cho phù hợp. Song, địa hình của vùng đất Phú Xuân thích hợp cho việc trồng sen nên thuận tiện trong việc điều tiết nước, vì vậy chúng tôi không vất vả lắm.”. Ngoài sen và cá, ông Trọng còn tranh thủ trồng dưa hấu ở ven bìa đê, dù không vì mục đích kinh tế nhưng mang lại niềm vui khi được dùng quả do mình tự trồng. Nhận thấy hiệu quả của mô hình sen - cá nhiều hộ cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ để phát triển trên diện rộng.

Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang khẳng định: “Đến thời điểm này đã nhìn thấy rõ tính khả thi của mô hình sen – cá ở Phú Xuân. Hy vọng từ các hộ tham gia trồng thí điểm, địa phương sẽ nhận được sự hưởng ứng của bà con để nhanh chóng phủ hết những vùng đất hoang hóa không chỉ ở Phú Xuân mà nhân rộng ra toàn huyện. Huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân vay được các nguồn vốn ưu đãi”.

HƯƠNG LAN