Thót tim

Đêm khai mạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2016 kín khán giả với 1.200 chỗ ngồi. Người xem hồi hộp theo dõi những màn trình diễn ngoạn mục do các nghệ sĩ xiếc trong nước và quốc tế biểu diễn. Mở màn là tiết mục nhào lộn trên sào của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - một trong những tiết mục mạo hiểm được biểu diễn thành công và ấn tượng. Nhìn những cô gái, chàng trai trẻ nhào lộn, xoắn mình trên không trung rồi rơi xuống cây sào bé tí vừa lòng bàn chân, ai cũng… thót tim.

Một tiết mục tham gia Liên hoan xiếc quốc tế. Ảnh: Th. Xuân

Phần trình diễn của nghệ sĩ Trịnh Phương Linh (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cũng được khán giả vỗ tay rầm trời khi anh phô diễn sự khéo léo qua tiết mục thăng bằng trên con lăn.

Khán giả đặc biệt ấn tượng và mãn nhãn trước những kỹ năng điêu luyện của nghệ sĩ Detnakhone Phonemany đến từ CHDC Nhân dân Lào qua tiết mục “Cô gái hoa hồng”. Hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn với các tư thế nằm, ngồi, đứng đung đưa trên sợi dây lơ lửng vừa lung linh vừa điêu luyện khi cô còn phô diễn kỹ thuật đế kiếm. Đây cũng là tiết mục xiếc kể được câu chuyện về tình yêu của cô gái đối với chàng trai nghèo thông qua kỹ thuật xiếc.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay, trước đây, xiếc là trò diễn nhưng bây giờ nghệ thuật xiếc đã được nâng lên tầm cao mới khi kể cho khán giả câu chuyện qua kỹ thuật xiếc. Ông Ánh kỳ vọng, qua những lần liên hoan này, những tiết mục xiếc hay của Việt Nam sẽ lan tỏa ra thế giới và xiếc quốc tế sẽ nhìn thấy bản sắc riêng của xiếc Việt Nam.

Khổ luyện

Phía sau hào quang lấp lánh của những màn diễn thót tim là những câu chuyện khổ luyện đầy nhọc nhằn. Dẫu đi dự liên hoan, các nghệ sĩ vẫn ôn luyện hàng ngày. Có mặt tại rạp xiếc, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự vất vả tập luyện của các nghệ sĩ với những giọt mồ hôi và cả nước mắt. Cũng với tiết mục nhào lộn vừa biểu diễn thành công vào đêm khai mạc nhưng chiều hôm ấy, Lô Thị Ngọc Thúy lại tập không thành công dù kiên trì làm đi làm lại nhiều lần.

Tiết mục của đoàn nghệ thuật xiếc Vương quốc Campuchia. Ảnh: Th. Xuân 

Mồ hôi vã như tắm, Thúy ôm đầu căng thẳng, nước mắt rơm rớm khi em còn thêm một lần thi: “Nghề này khổ vậy chị ạ. Có những buổi tập chẳng hỏng lần nào nhưng có hôm chẳng biết vì sao làm mãi không được”. Tò mò hỏi Thúy bí quyết để có được kỹ thuật chính xác, điêu luyện, cô cười nhỏ nhẹ: “Tập hoài thì quen chị ạ”. Nghe đơn giản vậy nhưng để có được thói quen ấy, Thúy mất 6 năm trời khổ công luyện tập nhào lộn và không ít lần bị thương. Vừa tập vừa diễn, Thúy nâng cao dần các động tác khó theo thời gian.

Quê ở Lạng Sơn, Thúy lên Hà Nội học xiếc từ lúc 11 tuổi. Đam mê nên dù tập luyện vất vả từ khi còn là cô bé nhỏ xíu, Thúy vẫn kiên trì theo đuổi nghệ thuật xiếc đã 13 năm. Ngọc Thúy chia sẻ: “Cứ được ra biểu diễn là thích lắm chị ạ, được nghe khán giả hò hét, cổ vũ hào hứng lắm. Nghề nghệ sĩ được đi đây đi đó, đem lại niềm vui cho khán giả là động lực để em luôn cố gắng”.

Theo chị gái tập xiếc từ năm 10 tuổi, Detnakhone Phonemany (24 tuổi) sang Việt Nam học ở Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam. Sau 6 năm học, cô trở về Lào công tác. Tiết mục “Cô gái hoa hồng” cô dự thi ở liên hoan lần này cũng do một nghệ sĩ ở Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam dàn dựng và tập cho cô. Detnakhone Phonemany tâm sự: “Để biểu diễn thành công trên sân khấu phải trải qua quá trình tập luyện rất căng thẳng và phải khéo léo, nhất là tập trên dây đòi hỏi tinh thần phải tốt, gan dạ, tập trung cao độ để giữ thăng bằng. Xiếc khó lắm, tập rất vất vả, nếu không yêu nghề thì không theo được. Nghề này lại nguy hiểm, không nhiều thì ít ai cũng phải bị thương. Năm ngoái em bị ngã từ trên cao xuống bị vỡ xương, tụt cột sống phải điều trị 5 tháng mới đi lại được”.

Tuổi nghề ngắn

NSND Tạ Duy Ánh cho hay, nghệ sĩ xiếc có tuổi nghề rất ngắn. Tập luyện vất vả nhưng khi đạt đến vinh quang, có kinh nghiệm, sự dày dặn thì lại rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” khi sức khỏe, phong độ, độ dẻo dai của cơ thể đi xuống. “Áp lực trong nghệ thuật chính là đòi hỏi phải tỏa sáng, mà điều này không phải ai cũng làm được. Càng lớn tuổi, trong khi nghề khác càng có cơ hội thăng tiến cao thì nghề xiếc lại ngược lại, vì họ không còn dẻo dai và sức khỏe để biểu diễn nữa”, ông Ánh cho biết.

Detnakhone Phonemany kể, em tập xiếc 14 năm và được 4 tiết mục. Một đời diễn viên xiếc thường chỉ tập được 2-3 tiết mục. Những tiết mục xiếc thường tập luyện trong thời gian ngắn nhất khoảng 2 - 3 tháng, có khi mất 5 năm trời mới diễn thành công 1 tiết mục. Đôi khi, chỉ 1 động tác trong tiết mục nhưng người diễn viên mất cả năm trời tập luyện. Các diễn viên cũng phải tập luyện thường xuyên, khắt khe để nâng cao trình độ và khả năng biểu diễn.

Dấn thân vào nghề xiếc, các nghệ sĩ phải chấp nhận đổi những nụ cười bằng bao giọt nước mắt, những thành công đổi bằng biết bao mồ hôi, để đổi lại vài phút trên sân khấu là cả hàng nghìn, hàng triệu phút đổ mồ hôi ở phòng tập. Thế nhưng, họ, những người nghệ sĩ luôn cháy hết mình vì đam mê vẫn chưa bao giờ từ bỏ, chưa bao giờ đầu hàng trước những khó khăn.

MINH HIỀN