Tôi nhìn con, ngạc nhiên về cái tên kem. Cứ nghĩ có lẽ lại là tên của một hãng kem mới, hoặc cũng có thể là kem mới của một hãng kem nào đó? Nhưng khi con bé lên nhà, lấy ra một cây mời mẹ, tôi mới nhận ra một loại kem cũ, đã lâu lắm, thời con bé còn nhỏ tý. Hồi ấy các loại kem chưa phong phú như bây giờ, mà cũng có thể là mẹ nó còn chắt chiu với số lương và thu nhập hàng tháng chứ không thể dẫn con đi ăn kem bất cứ khi nào, và bất cứ loại kem nào mà nhóc thích như bây giờ. Kem xưa – loại kem mà con gái gọi tên – đơn giản chỉ là cây kem có thể được cắt ra từ ống tròn thành 4 phần, hoặc cũng có thể được người ta làm trong những cái khuôn có sẵn, thành phần nhiều nhất vẫn là chuối, cộng một ít bột sữa và một tý ty quả dâu đỏ cho có màu. Chỉ có vậy thôi mà con gái đã từng rất háo hức và chờ đợi.

Cắn một chút lành lạnh ngòn ngọt, quả đáng tội là tôi thấy hơi kên răng. Có lẽ người ta đã để nó trong ngăn đông từ rất lâu, nhưng nhiều hơn có lẽ là do tuổi tác về. Nhớ ngày cũ, con bé vẫn thường đợi nơi chân cầu thang khu tập thể cao tầng chờ mẹ về, nhớ lúc nó quanh quẩn ở cái pi-giơ của bác gần nhà và cứ huyên thuyên mãi câu chuyện về kem với lũ nhóc cùng tuổi. Nhớ đôi môi vốn đỏ chót mọng lên khi mút mãi cây kem lạnh. Nhớ cách nó ăn nhẩn nha như sợ hết và chỉ kết thúc nhanh khi cây kem có dấu hiệu gần tan...

Răng con lại gọi là kem xưa? Con bé nhoẻn cười: Con thấy họ bán ở ký túc xá ớ! Hôm nớ đi tập văn nghệ xong, khát nước bất chết, con đến căng – tin và thấy có mấy bạn mua kem ni. Con nhìn kỹ và tự nhiên kêu lên: a kem, kem xưa...Chừ tụi bạn con hắn cũng kêu kem xưa đó mẹ.

Và tôi đã nhẩn nha ăn hết một cây kem xưa. Lòng cũng vui khi nghĩ, con bé nhà mình cũng không phải diện vô tâm, chỉ là cách nó thể hiện khác mình trong một nhịp sống khác mà thôi. Chẳng như con gái vẫn thường chở em đi ăn kem Đào Nguyên, ăn kem ở Lotte, Big C hay Khách sạn Indichine Palace và rất thích ăn binsu (một dạng đá bào ăn kèm với sữa và nhiều chất liệu khác tùy chọn)... trong nhà hàng máy lạnh nhưng vẫn không quên cây kem của thời bé dại. Nghĩa là, con gái đã không quên xưa.

Nguyễn An Lê