Vận động viên tị nạn môn bơi lội người Syria Rami Anis luyện tập cho Olympic Games Rio 2016 tại bể bơi Rozebroeken tại Ghent, Bỉ. Ảnh: UNHCR.

Đoàn VĐV bao gồm 2 VĐV bơi lội từ Syria, hai VĐV Judo từ Cộng hòa Dân chủ Congo, và 6 VĐV điền kinh từ Ethiopia và Nam Sudan, Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) nêu rõ trong một thông cáo báo chí, nói rằng tất cả các thành viên của nhóm đã phải chạy trốn bạo lực và khủng bố ở quốc gia quê hương và tìm cách lánh nạn ở nhiều nước như Bỉ, Đức, Luxembourg, Kenya và Brazil.

"Chúng tôi được truyền nhiều cảm hứng từ nhóm VĐV Olympic là những người tị nạn – những người mà sự nghiệp thể thao của họ đã bị gián đoạn; các VĐV tị nạn tài năng cuối cùng cũng sẽ có cơ hội để theo đuổi ước mơ của mình", Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi nói.

"Sự tham gia của họ trong Thế vận hội là một minh chứng cho lòng can đảm và kiên trì của tất cả những người tị nạn muốn vượt qua nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình mình. UNHCR luôn sát cánh cùng họ, cũng như với tất cả những người tị nạn nói chung", ông nói thêm.

UNHCR cho biết, sáng kiến ​​này được đưa ra trong thời điểm có nhiều hơn bao giờ hết những người bị buộc phải trốn chạy khỏi quê hương do xung đột và khủng bố, nhấn mạnh rằng tổng số tất cả những người tị nạn, những người di tản bên trong đất nước và những người tìm kiếm tị nạn ở nước ngoài đã đạt đến mức kỷ lục 59,5 triệu người vào cuối năm 2014 và vẫn đang tiếp tục gia tăng.

"Sáng kiến ​​đưa một nhóm người tị nạn đến Rio tham dự Olympic là điều chưa từng có và sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về những trợ giúp và hy vọng cho những người tị nạn trên toàn thế giới", UNHCR khẳng định.

UNHCR cũng nói rằng sự tham gia của một nhóm người tị nạn trong Thế vận hội Olympic năm nay đại diện cho một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác lâu dài của cơ quan này với IOC.

Theo UNHCR, "mối quan hệ này sẽ góp phần vào việc thúc đẩy vai trò của thể thao trong việc cải thiện cuộc sống và hạnh phúc cho những người tị nạn, đặc biệt là trẻ em, ở tất cả mọi nơi trên thế giới".

Ngoài ra, UNHCR cũng nhấn mạnh rằng, thông qua các dự án chung, các tổ chức đã hỗ trợ cho những chương trình thanh niên và các hoạt động thể thao ở ít nhất 20 quốc gia, làm sống dậy một số phong trào thể thao ở nhiều trại tị nạn, và cung cấp bộ dụng cụ thể thao cho thanh niên tị nạn.

Thông báo về đoàn VĐV tị nạn trùng hợp với đợt ra mắt chiến dịch #WithRefugees của UNHCR - một yếu tố không thể thiếu trong quan hệ đối tác UNHCR-IOC ở Rio Games 2016. Nền tảng của chiến dịch này là một thỉnh nguyện thư yêu cầu các chính phủ phải đảm bảo rằng, mọi trẻ em tị nạn đều được giáo dục, mỗi gia đình tị nạn có một nơi an toàn để sống, và rằng mỗi người tị nạn có thể làm việc hoặc học các kỹ năng mới để có thể đóng góp tích cực cho cộng đồng của họ, UNHCR nói.

Tố Quyên (Lược dịch từ Unhcr & USNews)