Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mỗi năm, Việt Nam có hàng triệu trẻ em và phụ nữ được tiếp cận với các loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng từ 2015 đến nay đạt hơn 97 %; hơn 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi được tiêm vắcxin sởi – rubella. Chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần làm giảm 15% số trẻ tử vong dưới 5 tuổi.

Chương trình tiêm chủng mở rộng giảm 15% số trẻ tử vong dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc triển khai công tác tiêm chủng mở rộng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tâm lý e ngại của gia đình và cộng đồng về những biến chứng có thể xảy ra sau khi tiêm chủng; việc chờ đợi vắcxin dịch vụ tại các đô thị dẫn tới nhiều phu huynh hoãn tiêm chủng cho trẻ. Các trẻ tiêm chủng không đầy đủ, đúng lịch làm gia tăng khả năng mắc bệnh và dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi và ho gà. Ngoài ra, có khoảng 3,47 % trẻ không tiêm chủng viêm gan B, dẫn tới việc bao phủ, miễn dịch cho trẻ không đảm bảo, làm ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ.

Theo tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn và hiệu quả trong việc phòng bệnh. Vắcxin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8 độ C trong hệ thống lạnh từ Trung ương tới các điểm tiên chủng, đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thời gian qua, một số nguyên nhân gây ra phản ứng sau tiêm chủng là do bản chất vắcxin, chất lượng vắcxin, lỗi tiêm chủng, tâm lý và các bệnh trùng hợp ngẫu nhiên. Đây là các phản ứng sau tiêm, nếu được phát hiện và xử trí kịp thời, đúng cách sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.                                   

Tiến sĩ Dương Thị Hồng lưu ý: "Khi đưa con đi tiêm chủng cũng cần lưu ý, sau khi tiêm về phải theo dõi con sát sao thường xuyên liên tục trong ngày đầu, để phát hiện các triệu chứng bất thường xảy ra. Còn vắcxin thuốc gửi tới thông điệp các bà mẹ hãy cùng cán bộ y tế chăm sóc trẻ thật tốt trước và sau tiêm chủng  và cố gắng đưa trẻ đi tiêm chủng đầy, đủ đúng lịch để tránh cho con mình mắc bệnh truyền nhiễm, có vắcxin nhưng con mình không được tiêm".

Theo VOV