Triễn lãm giới thiệu về sao la tại Festival Huế 2016

Đảm bảo môi trường sống hài hòa

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, không thể tách riêng từng loài động, thực vật để bảo tồn, bảo vệ mà phải gắn kết, dung hòa tất cả các mối quan hệ trong hệ sinh thái chung.

Muốn bảo tồn tốt sao la, loại động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới và Việt Nam, cần bảo tồn tốt cả hệ sinh thái khu vực quanh đó. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến sao la, nghiên cứu quá nhiều đến sao la mà bỏ qua những mối nguy hại khác, chắc chắn sao la sẽ khó có cơ hội sinh tồn, phát triển, khi tình trạng săn bắt trái phép chưa có dấu hiệu dừng lại.

Việc thành lập các khu bảo tồn là cần thiết để đảm bảo giữ hệ sinh thái luôn hài hòa. Từ đó, các loài động, thực vật có môi trường sinh sống, phát triển tốt. Ngược lại, nếu “mái nhà chung” không được giữ hoặc có nguy cơ bị phá hoại, chắc chắn, các loài thú, cỏ cây khó tránh khỏi khả năng bị ảnh hưởng.

Hàng năm, có hàng chục ngàn cái bẫy động vật hoang được tháo dỡ

Đối với 3 khu bảo tồn hiện có, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng các phương án nhằm bảo tồn tốt nhất hệ sinh thái, gồm cả động, thực vật để tạo ra môi trường sinh sống lý tưởng nhất. Ngoài các biện pháp tuần tra, phát hiện và ngăn chặn nạn săn bắt động vật trái phép, còn tăng cường các biện pháp để tăng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt từ 58-59% vào năm 2020, đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường trong lành, mát mẻ.

Ngành kiểm lâm cũng chú trọng công tác tuyên truyền người dân không ăn thịt động vật hoang dã, nhằm hạn chế việc săn bắt động vật trái phép. Thời gian gần đây, có nhiều cơ sở chăn nuôi động vật rừng, như lợn rừng, nhím, chồn,… góp phần giảm bớt việc săn bắt thú rừng để ăn thịt. Hàng năm, cán bộ các hạt kiểm lâm tháo dỡ hàng chục ngàn cái bẫy dây do người dân đặt ở các khu rừng để bẫy động vật. Cơ quan này cũng phối hợp với công an, biên phòng…, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển động vật trái phép, thu giữ thả về rừng.

Tăng cường các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học

Việc trồng, bảo vệ và giữ rừng có vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như đảm bảo cho các loài động vật có môi trường sinh sống tối ưu.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, sở dĩ sông Hương có nguồn nước trong xanh là nhờ rừng đầu nguồn được giữ gìn, phát triển tốt. Nếu rừng mất, sông sẽ cạn nước. Do đó, vai trò của rừng trong việc điều tiết, điều hòa không khí vô cùng quan trọng, nhất là với rừng tự nhiên. Ngành kiểm lâm đang thực hiện nhiều cách để giữ rừng tự nhiên, đảm bảo duy trì sự sống cho cả hệ sinh thái.

Toàn tỉnh hiện có 503.000 ha diện tích đất rừng, trong đó, diện tích có rừng khoảng gần 295.000 ha, với hơn 202.000 ha rừng tự nhiên, 94.000 ha rừng trồng, với độ che phủ khoảng gần 57%. Các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về các loài sinh vật, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ như gà lôi lam màu trắng, sao la, vọc chà vá, một số loài linh trưởng, hổ… Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch chi tiết nên việc khoanh vùng, bảo vệ và khai thác phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp giữ rừng bền vững hiện nay đang được Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất triển khai là tạo sinh kế bền vững cho người dân sống ở bìa rừng, vùng ven, vùng đệm. Phương pháp hiệu quả được áp dụng là tuyên truyền, hướng dẫn để người dân trồng cây gỗ lớn, có giá trị xuất khẩu, thay vì cây gỗ tạp, giá trị không lớn như hiện nay. Khuyến khích trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ để lấy ngắn nuôi dài… Những giải pháp này còn giúp giảm tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy.

Đối với các loài động vật quý hiếm, ngành kiểm lâm đặt máy quay, chụp ảnh ở những nơi có khả năng xuất hiện để phát hiện, khoanh vùng và thực hiện các giải pháp bảo vệ tốt hơn.

Việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ kiểm lâm theo hướng chuyên sâu cũng được tính tới, để mỗi cán bộ kiểm lâm không chỉ là người ngăn chặn, đẩy đuổi “lâm tặc”, mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như nghiên cứu chuyên sâu các mô hình dược liệu để hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc…

Mục tiêu khác mà ngành kiểm lâm đang hướng đến là khai thác tốt, bền vững các dịch vụ từ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình mà cơ quan này chú trọng là du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhìn nhận, thời gian không lâu nữa, khi lối sống thị dân phát triển mạnh, chắc chắn nhu cầu về với thiên nhiên sẽ tăng cao. Lúc đó, mô hình du lịch sinh thái sẽ hút khách. Ở các nước tiên tiến, điều này đã được khẳng định. Thừa Thiên Huế có lợi thế các khu rừng đa dạng sinh học, các khu bảo tồn thiên nhiên với các loài động vật quý hiếm sẽ là điểm đến lý tưởng cho người dân. Thông qua mô hình này còn tăng cường giáo dục ý thức trong việc bảo vệ môi trường, rừng, động thực vật…

Bài, ảnh: Tâm Huệ