Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AFP |
Theo lịch trình, ông Kerry sẽ dừng chân ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ trong vài giờ, nơi ông dự kiến gặp Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj, khởi động một chương trình mới của USAID, tham dự lễ hội đua ngựa và đấu vật của nước này.
Mông Cổ "nằm trong một khu vực rất, rất khó khăn", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trước chuyến thăm của ông Kerry; đồng thời lưu ý rằng, nước này có đến 3/4 nhu cầu dầu phụ thuộc vào Nga và khoảng 90% thương mại phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Vì vậy, đó không phải là một vị trí địa lý dễ dàng để hoạt động. Tuy nhiên, Mông Cổ là một đối tác tuyệt vời và một người bạn tốt của Mỹ", quan chức trên nói thêm.
Trước đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là các quan chức hàng đầu đến thăm đất nước trong những năm gần đây khi Mỹ "xoay trục châu Á".
Mông Cổ có dân số khoảng 3 triệu người, là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ và những nguồn tài nguyên như vàng, đồng và uranium vẫn chưa được khai thác.
Tài nguyên khoáng sản đã từng tạo điều kiện để Mông Cổ đạt tăng trưởng 17% trong năm 2011, nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng giảm mạnh xuống dưới 3% hồi năm ngoái do giá kim loại sụt giảm và các nhà đầu tư rút vốn.
Năm 2012, Chính phủ Mông Cổ thông qua một đạo luật nghiêm ngặt về đầu tư vào các ngành "chiến lược", khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài bị tác động nghiêm trọng. Sau đó, Quốc hội nước này đã quyết định hủy bỏ đạo luật gây tranh cãi nói trên.
Quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận: "Chúng tôi nghĩ rằng, môi trường pháp lý ở Mông Cổ cần phải được cải thiện".
Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & Straitstimes)