Hội nghị sẽ thảo luận, góp ý hai dự thảo báo cáo lớn gồm sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và tổng kết Luật PCTN.
Sắp tới sẽ thực hiện công khai danh tính những người tham nhũng, bất kể chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu.
Trong hai báo cáo trên, phần sơ kết Nghị quyết Trung ương 3 (2007-2011) có nhiều vấn đề quan trọng nhất, được xây dựng trên cơ sở tự đánh giá của các tỉnh ủy, thành ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và trực tiếp kiểm tra của tám đoàn kiểm tra của Trung ương tại các bộ, ngành, địa phương.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương đánh giá: “Công tác PCTN nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí…” như nghị quyết đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc xã hội”.
Đồ họa: H.Loan
Lãnh đạo chưa nêu gương
Tiêu điểm 76.000 đảng viên có sai phạm bị xử lý kỷ luật qua công tác kiểm tra của Đảng khóa X. Trong số này có bốn ủy viên Trung ương; 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng cấp tỉnh và bộ, ngành trung ương; hai bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế nhà nước . |
Dự thảo nhận xét ở các tổ chức đảng, tính chiến đấu, dân chủ trong phê - tự phê theo yêu cầu “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau” còn rất hạn chế, gần như chưa công khai như yêu cầu của nghị quyết. PCTN là nhiệm vụ trọng tâm nhưng lại ít được đề cập trong các hội nghị kiểm điểm, tổng kết công tác của các tổ chức đảng. Chất vấn trong Đảng gần như chưa được thực hiện, mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành thành quy chế. Giữa lời nói và hành động còn khoảng cách lớn; một số lãnh đạo các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao ở Trung ương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó, công khai, dân chủ trong công tác cán bộ còn hạn chế. Tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ vẫn còn nghiêm trọng; chưa có biện pháp hiệu quả hạn chế nạn “chạy chức, chạy quyền”. Quy định cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống.
Các quy định về kê khai tài sản, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu… được ban hành nhưng đi vào triển khai đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, thiếu khả thi. 19 điều cấm đối với đảng viên cũng như quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp ở nhiều nơi còn hình thức, chưa được giám sát thực hiện chặt chẽ. Quy chế về tặng quà, nhận quà đã có nhưng kết quả không đáng kể. Công khai, minh bạch tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như lạm dụng “MẬT”, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân…
Nhiều nơi năm năm liền không phát hiện tham nhũng
Cũng theo dự thảo, số vụ án, bị can bị khởi tố, tính chung cả năm năm có xu hướng giảm (xem biểu đồ). Số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn ít. Nhiều nơi, năm năm qua không phát hiện được vụ nào. Việc giải quyết các vụ án tham nhũng hay xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần; một số trường hợp hoãn xử, đình chỉ, cho tại ngoại thiếu căn cứ. Có xu hướng giảm nhẹ dần về tội danh cũng như đánh giá thấp tính nghiêm trọng của tội phạm. Số miễn xử lý hình sự hoặc cho hưởng án treo chiếm tỉ lệ cao.
Hoạt động của các ban chỉ đạo và văn phòng ban chỉ đạo PCTN các cấp còn chưa tích cực, thiếu chủ động, cương quyết. Hoạt động của các ban chỉ đạo chủ yếu thể hiện dưới dạng họp định kỳ nhưng nội dung lại chủ yếu kiểm điểm, đánh giá chung chung, ít đi vào vấn đề cụ thể. Hoạt động tham mưu, giúp việc của văn phòng các ban chỉ đạo còn hạn chế.
Trung ương khi ban hành Nghị quyết Trung ương 3 đã giao Ban Chỉ đạo Trung ương nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện, chủ trì phối hợp với các ban của Đảng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết và phải kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình thực hiện. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chưa được Ban Chỉ đạo quan tâm thỏa đáng. Hầu hết thành viên công tác kiêm nhiệm, tham gia công việc của ban rất ít. Ở Trung ương, có những vị hai năm liền không làm việc ở Ban Chỉ đạo hoặc không kiểm tra, đôn đốc PCTN được bộ, ngành, địa phương nào.
Công khai hứa liêm khiết trước dân?
Từ kết quả hạn chế, khiêm tốn của năm năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương dự kiến thời gian tới cần có những điều chỉnh, đổi mới. Theo đó, phải quyết liệt nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu, để họ coi PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến trong nhiệm kỳ Đại hội XI. Một số chức danh có thể phải cam kết công khai trước dân về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của mình. Mạnh dạn miễn nhiệm, bãi miễn, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mà họ đang quản lý, phụ trách.
Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đề xuất khẩn trương nghiên cứu sửa pháp luật hình sự theo hướng tăng phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt với đối tượng tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả. Có quy định để hạn chế tối đa việc cho bị can án tham nhũng tại ngoại; hạn chế việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo cũng như đặc xá, đại xá với đối tượng phạm tội tham nhũng. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, bảo đảm việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Thực hiện công khai danh tính những người tham nhũng, bất kể chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu.
Ngoài ra, cần sớm ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn - một yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 3 đặt ra nhưng đến nay chưa làm xong. Quy định từng bước mở rộng phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức, trước hết là diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nghiên cứu cơ chế kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản để dần nâng cao tính trung thực của kê khai.
Trong các đề xuất, dự kiến trên, nhiều nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của BCH Trung ương. Hội nghị toàn quốc lần này sẽ tham gia ý kiến để có báo cáo chính thức với Hội nghị Trung ương 5, dự kiến tổ chức cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.
Năm lựa chọn cho mô hình ban chỉ đạo Theo dự thảo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), mô hình ban chỉ đạo PCTN sẽ được cải tiến, đổi mới với năm lựa chọn: 1. Giữ như hiện nay, song hoàn thiện cơ chế, bổ sung thành viên; 2. Chuyển sang trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 3. Tổ chức thành cơ quan trực thuộc Chủ tịch nước; 4. Tổ chức thành cơ quan trực thuộc QH; 5. Hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Dù chọn mô hình nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 3 đã đề ra: “đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả”; “bảo đảm sự độc lập cần thiết với các cơ quan quản lý nhà nước theo cấp lãnh thổ và sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của trung ương”. Về chức năng nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo vẫn tiếp tục chỉ đạo cả “phòng” và “chống” nhưng phải tập trung vào “chống” là chính. Về lâu dài, ban này chuyển thành cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng, hoặc trực tiếp là cơ quan chống tham nhũng. Cần tăng thêm thành phần tham gia Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh là tham gia chuyên trách. Văn phòng Ban Chỉ đạo hiện hoạt động với tính chất là cơ quan tham mưu, cần điều chỉnh mở rộng thêm chức năng thường trực của Ban Chỉ đạo. Cần xác định Ban Chỉ đạo là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Trung ương, mà trực tiếp thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác PCTN; có trách nhiệm phối hợp với các ban đảng ở Trung ương trong theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN của các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. |
Nghĩa Nhân (theo phapluattp.vn)