- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế:Di chúc của ông, bà chỉ phát sinh hiệu lực khi cả hai vợ, chồng bà đều qua đời. Vì vậy, con cả của ông, bà - người được chỉ định hưởng di sản thừa kế theo nội dung di chúc - chưa có quyền yêu cầu nhận thừa kế nhà đất nói trên.

Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia. Nếu một người không còn nữa thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Vì chồng bà đã mất nên nếu muốn sửa đổi di chúc chung của vợ, chồng đã được công chứng nói trên, bà chỉ có thể sửa đổi nội dung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình (tức 1/2 tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng bà). Phần tài sản còn lại của chồng bà được phân chia theo ý nguyện như trong di chúc trước đây mà ông, bà đã lập.

Căn cứ khoản 3, điều 48 Luật Công chứng, bà không cần phải yêu cầu công chứng viên đã công chứng di chúc chung của ông, bà trước đây mà bà có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào (kể cả các công chứng viên thuộc các tổ chức hành nghề công chứng khác trên địa bàn tỉnh) thực hiện công chứng việc sửa đổi di chúc cho bà. Tuy nhiên, nếu bà thực hiện công chứng việc sửa đổi di chúc nói trên ở các tổ chức hành nghề công chứng khác (không phải là Phòng Công chứng Nhà nước nơi ông, bà đã công chứng di chúc chung trước đây) thì sau khi thực hiện công chứng việc sửa đổi di chúc nói trên, bà phải thông báo cho Phòng Công chứng Nhà nước trước đây biết di chúc chung của vợ, chồng bà được công chứng và lưu giữ tại đây, nay đã được sửa đổi.

Bùi Vĩnh (ghi)