Nhân dịp Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội và kỷ niệm 102 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1972 năm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường đại học Nghệ thuật Huế đã phối hợp phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động với chủ đề: “Chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” nhằm tuyền truyền sự kiện chính trị trọng đại của hoạt động Hội và phong trào phụ nữ cả nước.
Ban tổ chức cuộc thi xác định đối tượng tham dự chủ yếu là giảng viên, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, các họa sĩ, giáo viên mỹ thuật của các trường phổ thông trong tỉnh. Ban Tổ chức chọn nhữngtác phẩm có chất lượng để triển lãm vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 tại TP Huế và xem xét, tuyển chọn gửi đi triển lãm tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI tại Hà Nội khi điều kiện cho phép. Dù thời gian phát động không dài, nhưng ngay từ đầu đã được đông đảo CBGV và sinh viên và các họa sĩ ngoài trường hưởng ứng tham gia.

Tác phẩm đạt giải nhất của Hoàng Quốc Hùng
Cuộc thi đã nhận được một số lượng đáng kể tác phẩm tham dự, trong đó có 76 tác phầm được BTC chọn trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Tp Huế. Hội đồng nNghệ thuật đã xét chọn 01 giải nhất là tác phẩm của tác giả Hoàng Quốc Hùng, 02 giải nhì của các tác giả Hoàng Thị Hải Yến, Phan Lê Hạnh Nhơn, 03 giải ba gồm các tác phẩm của các tác giả Hồ Mạnh Dũng, Nguyễn Lê Vân Nhi, Phan Lê Hạnh Nhơn và 05 giải khuyến khích: các tác giả Trần Thị Bích Liễu (02 tác phẩm đoạt giải), Lê Viết Trường Giang, Dương Văn Kính, Nguyễn Thị Thanh Trà . Tất cả các tác giả được giải đều là giảng viên và sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế.
So với các cuộc triển lãm tranh cổ động chính trị, môi trường, các chủ đề văn hóa- xã hội- chính trị khác thì đây là một triển lãm có chất lượng nghệ thuật rất cao. Trước hết các tác giả là các họa sĩ chuyên nghiệp đã bám sát được vào chủ đề- nội dung đã được BTC quy định, sau đó là phải nói đến việc hầu hết tác giả đã vẽ tranh, thiết kế cấu trúc tác phẩm từ máy tính, hiệu quả CNTT đã đem lại cho các tác giả sự thuận lợi trong trình bày, diễn đạt ý tưởng, tạo dựng những hình ảnh chắc khỏe, bố cục cô đọng và tươi rói sắc màu tranh cổ động sự kiện chính trị- xã hội. Ngôn ngữ chắt lọc của tranh cổ động thực sự là một lợi thế trong việc đưa nghệ thuật đến với mọi người, lợi thế trong việc chuyển tải thông tin nghệ thuật, tư tưởng chính trị và kêu gọi mọi người hướng đến các giá trị Chân –Thiện - Mỹ cao quý của cuộc sống.

Tác phẩm đạt giải nhì của Phan Thị Hải Yến
Có thể nói việc tổ chức sáng tác tranh cổ động của Hội PN TTHuế đã tạo nên sự kiện nghệ thuật độc đáo cho đời sống mỹ thuật ở Huế và góp phần tôn vinh, thúc đẩy thể loại tranh tuyên truyền chính trị- xã hội có cơ hội phát triển. Với ngôn ngữ đặc thù của tranh cổ động chính trị- xã hội, với thông tin về đại hội được diễn đạt tinh tế, với tay nghề và trình độ thẩm mỹ cao, các tác giả là sinh viên, giảng viên và các họa sỹ khác đã đem lại cho chúng ta một phòng triển lãm tranh cổ động đạt được hiệu quả nghệ thuật cao, góp phần cùng Hội LHPN tỉnh, các tổ chức văn hóa, chính trị- xã hội khác tuyên truyền về tình yêu đất nước, về vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội và trong thời kỳ mới, khẳng định được vị thế người phụ nữ mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt qua phòng tranh thấy rõ tính chất Huế, nét văn hóa Huế trong mỗi tác phẩm. Những motif Huế như biểu tượng cửa Ngọ Môn (cái Khánh), Phu Văn Lâu, Sông Hương, Núi Ngự Bình, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng Tiền, khuôn mặt phụ nữ Huế… đã trở thành hình tượng gợi nhớ cho vẻ đẹp lắng đọng của Huế, của người phụ nữ Huế.
Cũng qua đợt sáng tác, nhiều nghệ sỹ trẻ đã tự bồi bổ cho mình những tình cảm tốt đẹp với nhân dân đất nước, với người mẹ, người chị của mình và tự hào hơn nữa về người phụ nữ Việt Nam đảm đang, trung hậu, giàu tình cảm. Đối với giảng viên và đặc biệt là sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, cuộc thi là một cơ hội tốt cho mọi người tham gia vào những hoạt động chính trị- xã hội của tỉnh nhà, góp phần cùng nhà trường nâng cao tính giáo dục thẩm mỹ, khơi gợi tinh thần trách nhiệm của người họa sỹ - công dân đối với xã hội, đất nước.
 
Tác phẩm đồng giải nhì của Phan Lê Hạnh Nhơn
Cuộc thi sáng tác tranh cổ động là hoạt động tuyên truyền mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, đây cũng là dịp thiết thực sáng tác của giới họa sĩ trẻ trong tỉnh chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, kỷ niệm 102 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1972 năm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Qua triển lãm chúng ta cũng rút ra được những bài học quý báu về trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, nhận thức đầy đủ hơn về người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và càng có ý thức tôn vinh, trân trọng người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng cuộc sống xã hội tốt đẹp hôm nay.
Phan Thanh Bình