Trực 24/24h ở các điểm cao

Giữa cái nắng gay gắt tháng 5, kiểm lâm viên Trần Anh (54 tuổi) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vẫn túc trực ở điểm cao gần đỉnh đèo Hải Vân. Với chiếc bộ đàm trên tay, ông liên tục liên lạc với các đồng nghiệp ở các điểm cao khác khu vực đèo Hải Vân để nắm tình hình.

 Theo ông Anh, từ tháng 3 đến tháng 9, là cao điểm phòng cháy chữa cháy rừng khi vào thời gian này nắng nóng kéo dài, trời hanh khô chỉ một chút lơ là không phát hiện kịp thời đám cháy sẽ gây hậu quả lớn. Với một địa bàn rừng tự nhiên dày đặc, đường dốc, nhiều vực sâu như đèo Hải Vân, công tác chữa cháy rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nếu xảy ra cháy.

Ông kể, một đám cháy từng xảy ra lúc 3 giờ sáng năm 2015 tại khu vực rừng gần đường ray xe lửa phía chân đèo, nhờ có người trực nên phát hiện kịp thời và nhanh chóng thông tin về đơn vị, phối hợp với bộ đội biên phòng dập lửa ngay trong đêm.

Đêm đó, mấy anh em trong đơn vị phải băng rừng mang theo các bình nước và máy bơm nước để đến hiện trường vụ cháy. Quần quật cả đêm mới khống chế được ngọn lửa. May mà thời điểm xảy ra đám cháy trời đứng gió, về đêm cây cối ẩm ướt nên đám cháy mới không lan nhanh. Nguyên nhân đám cháy xảy ra là do những đối tượng phá rừng từng bị ngăn chặn đốt để trả thù. Ông Anh chia sẻ.

Túc trực ở đài cao khoảng 10 mét vừa mới xây dựng ở phía chân đèo, ông Lê Đình Hợi (63 tuổi), một kiểm lâm viên theo hợp đồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân luôn hướng ánh mắt về khu vực rừng tràm được giao quản lý. Ông tâm sự: “Lúc trước khi chưa xây dựng đường lâm sinh, các đài cao quan sát, việc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Để quan sát được toàn bộ khu vực rừng quản lý, anh em trong đơn vị phải chạy xe máy dọc theo đường đèo Hải Vân, chọn nơi cao, thông thoáng để quan sát”. 

Bây giờ việc bảo vệ rừng đỡ vất vả hơn khi đường lâm sinh dẫn xuống khu vực gần đường ray tàu hỏa vừa được xây dựng, xe máy dễ dàng chạy thẳng xuống tận nơi. Các đài quan sát cũng được xây dựng ở các điểm cao, dễ dàng quan sát được bốn hướng rừng xung quanh.

Phòng cháy là chính

Ghé thăm trụ sở Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân dưới chân đèo ở thị trấn Lăng Cô, chúng tôi nhận thấy rất nhiều thùng nước dự trữ mi ni. Hỏi ra, mới biết đó là nước dự trữ để phòng lúc cháy rừng xảy ra để cơ động nhanh đến hiện trường. Đơn vị cũng chuẩn bị những máy bơm nước có động cơ đeo vai.

Một kiểm lâm viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân giới thiệu: “Nhìn những cái máy bơm nước động cơ này nhỏ vậy, nhưng lúc cháy rừng nó lại là công cụ dập lửa rất hiệu quả. Địa bàn rừng phòng hộ ở đèo Hải Vân hiểm trở, độ dốc lớn nên khó di chuyển đến các suối lấy nước. Các bình nước sẽ đổ vào máy phun nước, tiến hành dập lửa.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cho biết, trong năm 2015 xảy ra 3 vụ cháy với diện tích 1.200 m2 tại khu vực đèo Hải Vân. Rút kinh nghiệm những năm trước, ngay  từ đầu mùa khô, đơn vị xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng đến với người dân. Vào thời điểm này, ngoài 16 biên chế, đơn vị cũng thuê thêm lực lượng bên ngoài tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện nay, đơn vị luôn trực 100% quân số, tại các trạm luôn có 4 kiểm lâm viên thay nhau túc trực, đặc biệt lúc buổi trưa.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng với diện tích trên 10.416 ha, trải dài 3 xã và 1 thị trấn với chiều dài 40km. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ hơn 6.942 ha, diện tích rừng sản xuất trên 3.474 ha.  Khu vực đèo Hải Vân được xem là trọng điểm khi diện tích rừng tự nhiên ở đây lớn, thường xuyên có người qua lại.

Võ Thạnh