Một đời vui

Chúng tôi gặp ông Thạnh khi ông vừa hiến máu được 2 tuần. Gương mặt hồng hào, vừa cười vừa nói, ông Thạnh bảo: “Cuộc đời tui vui nhất là hiến máu, đó là niềm vui để tui sống giữa cuộc đời”.

Ông Thạnh xem lại giấy chứng nhận hiến máu

Năm 1977, sau khi ra trường, ông được điều động về dạy học ở huyện Triệu Hải, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Trị). Một lần học sinh bị tai nạn mất máu nhiều, ông và các đồng nghiệp đưa đến bệnh viện. Lần lượt các giáo viên được kiểm tra máu để hiến cho học sinh, nhưng chỉ có người giáo viên trẻ Hoàng Tấn Thạnh phù hợp. Bỡ ngỡ vì chưa bao giờ hiến máu, ông vẫn hối thúc bác sĩ lấy máu nhanh để cứu học sinh.

Ông Thạnh chia sẻ, hồi đó chuyện hiến máu còn mới lạ lắm, mọi người ngần ngại, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thông tin và kiến thức liên quan đến hoạt động nhân đạo này chưa nhiều khiến không ít người xem việc làm của ông là “liều mạng”.

Lần cho máu đầu tiên cảm thấy sức khỏe ổn định khiến ông dạn gan hơn, nhiều lần tham gia hiến máu. Năm 1984, ông chuyển về Huế và lần lượt nhận nhiệm vụ ở nhiều trường khác nhau, nhưng ở đâu ông cũng xung phong làm công tác nhân đạo. Người giáo viên sinh năm 1958 bật mí: “44 lần là có giấy, nhiều lần hiến tiểu cầu và cho máu ngoài, đến nay cũng phải 49 lần rồi”.

Cho chúng tôi xem những tờ giấy hiến máu cách đây mấy chục năm, ông Thạnh chia sẻ, mỗi đợt hiến máu là một lần vui. Cuộc đời mỗi người tự chọn cho mình những hạnh phúc khác nhau, riêng ông đó là được hiến máu cứu người. “Nghề nghiệp thì có tuổi nghỉ hưu còn hiến máu sẽ gắng đến khi người ta không cho mình làm nữa”, người giáo viên sắp về hưu tâm sự.

Vượt qua trở ngại

Nhìn vào “thành tích” hiến máu, ít biết được rằng ông Thạnh từng trải qua không ít khó khăn để được làm công tác nhân đạo. Thời điểm mới bắt đầu hiến máu, do phong trào còn nhỏ lẻ, nhiều người chưa nhận thức được giá trị tốt đẹp của công việc này nên để được hiến máu, ngay cả gia đình ông cũng phải giấu kín việc mình làm. “Hồi đó, hiến máu được nhận tem phiếu để mua thức ăn. Nhưng mình làm không phải vì việc này mà để cứu người. Thời khó khăn, ăn uống kham khổ nên chuyện sợ hiến máu ảnh hưởng sức khỏe là bình thường. Mình đi làm thì phải giấu ba mẹ, có vợ rồi cũng không để vợ biết vì sợ họ ngăn cản”, ông Thạnh trải lòng.

Công việc hiến máu khiến ông được nhiều người biết đến. Hễ có người cần máu, ngân hàng máu của bệnh viện hoặc người nhà bệnh nhân lại tìm đến ông. Có lần đang ở nhà cùng vợ thì nhận được tin nhắn có người cần máu. Nóng lòng cứu người, nhưng phải nghĩ ra cách để giấu vợ mà đi. “Tui sợ nói thiệt bà ấy lo. Không phải bà không thương người, nhưng bà thương và lo cho sức khỏe của tui”, vừa nói ông Thạnh vừa mỉm cười.

“Nhật ký hiến máu” của người giáo viên 58 tuổi cũng gắn với nhiều kỷ niệm, nhất là những lần hiến máu cho học sinh của mình, có khi là 1 – 2 giờ sáng. Ông chia sẻ, thương học trò nên rất am hiểu hoàn cảnh của họ. Nhiều trường hợp sau khi được ông giúp đỡ tìm đến ông biếu quà, ông nhất quyết từ chối với lời nói vui: “Đó là trách nhiệm của người thầy, của công dân”.

Niềm vui lớn nhất của ông bây giờ là gia đình hiểu và ủng hộ công việc của ông. Nhờ đó những lần tiếp xúc với học trò, ông “được quyền” tự tin dạy cho những đứa trẻ trong lớp học của mình bài học về lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp trong đời và động viên đồng nghiệp cùng người thân tích cực tham gia hiến máu. Ông hài hước: “Nhiều người khen tui trẻ, tui trả lời họ rằng nguyên nhân trẻ là nhờ tui hiến máu nhiều. Ai nói hiến máu có hại thì cứ nhìn vào tui, nếu hại thì cũng hại cách đây mấy chục năm rồi”.

Ông Trần Hưng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Phú Vang nhận định: “Thầy Thạnh là một giáo viên nhiệt tình trong công tác hiến máu nhân đạo. Từ lúc phong trào này chưa phát triển, người giáo viên này đã tiên phong. Năm 2015, thầy Thạnh được trao kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ về công tác hiến máu nhân đạo. Giữa tháng 6 tới đây, thầy giáo Thạnh sẽ được tham dự chương trình tôn vinh người hiến máu tại Hà Nội”.

Lê Hữu Phúc