Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, đến năm 2020; tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải

Nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng không khí, trong đó, xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí; ban hành quy định pháp luật và hướng dẫn về xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; rà soát, bổ sung, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến quản lý chất lượng không khí, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải, mức phát thải khí nhà kính cho các ngành sản xuất....

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007, tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Bên cạnh đó, tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí.

Tiếp tục triển khai các quy định của Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; đề xuất lộ trình thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng; xây dựng cơ chế chính sách quản lý phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện.

Từng bước thực hiện Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010, chú trọng vào kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường không khí

Cùng với nhiệm vụ và giải pháp nêu trên là thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải.

Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.

Công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí và lợi ích của việc sử dụng các phương tiện công cộng đối với môi trường không khí.

Theo VPCP