Cùng người dân làm đồng

Gần gũi

Từ sáng sớm, các anh, chị phụ trách tour du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh đã có mặt tại thôn đón đoàn tham quan. Mở đầu hành trình là điểm đến chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh. Không chỉ tham quan, du khách còn tham gia vào hoạt động mua bán cùng người dân như phân loại các loại tôm, cá; chọn mua những loại cá, tôm tươi ngon đưa vào bờ để tổ dịch vụ chế biến phục vụ tại chỗ.

Tổ dịch vụ có 4 chị vừa phục vụ cơm nước, xe đạp tham quan, lưu trú tại nhà (homestay)… khi khách có nhu cầu. Chị Hoàng Thị Diệp, thành viên tổ dịch vụ cho hay: Du khách tìm về Ngư Mỹ Thạnh chủ yếu để có những trải nghiệm đời sống dân dã. Vì thế, khi khách đến, mọi sinh hoạt trong gia đình vẫn diễn ra như thường ngày và du khách được xem như một thành viên trong nhà. Không khách sáo là điều họ muốn và chính chúng tôi những người làm du lịch cũng cảm thấy như mình được trải nghiệm.

Sarad (du khách Pháp), được làm nông dân “thứ thiệt” là một trải nghiệm thú vị. “Về đây, chúng tôi được tham gia nhổ lạc, hái dưa, học cách đan lát và biết thêm về những sản phẩm của địa phương. Tôi đã biết thêm nhiều thứ sau chuyến du lịch từ việc chọn dưa ngon, ngọt, đến dùng đũa gắp thức ăn…”

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền, trong 5 tháng đầu năm 2016, Quảng Điền đón 62 đoàn khách tham quan các địa điểm trên địa bàn với 1.501 khách. Trong đó, tour du lịch Ngư Mỹ Thạnh có 17 đoàn với 160 khách (chủ yếu 2 tháng trở lại đây). Đó là chưa kể lượng khách tự do và khách do một số công ty lữ hành tự đưa đến. Con số trên khá khiêm tốn so với nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn nhưng so với cơ sở vật chất hiện có của Ngư Mỹ Thạnh, con số này không hề nhỏ.

Hạ tầng chưa đồng bộ

Với lợi thế, người dân bản địa làm du lịch nên bà con hiểu tường tận về phong tục tập quán, nét văn hóa trong đời sống và sinh hoạt để giới thiệu chi tiết với du khách khi đến thăm. Tuy nhiên, cơ sở vật chất yếu, thiếu lại gây cho họ không ít khó khăn. Hiện, thôn Ngư Mỹ Thạnh chỉ có 1 thuyền du lịch 45 khách để du khách tham quan phá Tam Giang, vài chiếc xe đạp do tổ dịch vụ tự trang bị. Đối với khách lẻ, người dân thường sử dụng đò máy dùng trong việc di chuyển, đánh bắt thủy sản để chở khách. Thôn vẫn chưa có bến thuyền du lịch, khách muốn lên thuyền lớn đi tham quan đều phải lội nước hơn 100m hoặc di chuyển bằng thuyền nhỏ rất bất tiện. Dịch vụ ăn uống chủ yếu do tổ dịch vụ đảm nhiệm, cơ sở vật chất hạn chế cũng gây không ít khó khăn.

Theo ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền: Khó khăn lớn nhất của Quảng Điền trong phát triển du lịch cộng đồng chính là cơ sở hạ tầng. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển hoạt động du lịch. Hiện, dự án “Hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đầm phá Tam Giang” do tổ chức Đoàn kết Quốc tế (Sodi) tài trợ đã thống nhất sẽ đầu tư xây dựng bến thuyền du lịch, nhà chồ, nhà trưng bày ngư lưới cụ… tại thôn Ngư Mỹ Thạnh. Dự án “Xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ cũng đang khảo sát hỗ trợ ngư dân xây dựng 5 nhà chồ phục vụ du khách. Khi những hạ tầng trên được đầu tư hoàn chỉnh sẽ tạo thuận lợi trong kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, cũng như sẽ có những định hướng, quy hoạch phát triển cụ thể cho hoạt động du lịch cộng đồng.

Đổi mới tour tuyến cũng đang nằm trong tầm ngắm của huyện Quảng Điền khi dự án Sodi mới đầu tư trồng mới gần 4 ha rừng ngập mặn trên địa bàn xã Quảng Lợi. Ngoài hệ thống nhà hàng mới đưa vào sử dụng tại khu vực bến đò Cồn Tộc, huyện Quảng Điền cũng định hướng sẽ tổ chức một số dịch vụ đi kèm như: đạp vịt, du thuyền ngắm cảnh phá Tam Giang, du lịch làng nghề… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Anh Hà Binh, cán bộ chuyên trách văn hóa xã Quảng Lợi tâm huyết: Tour du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh đang dần được nhiều du khách biết đến. Nếu cơ sở hạ tầng tại đây được đầu tư, sẽ mở ra cơ hội lớn cho người dân địa phương trong phát triển du lịch. Chúng tôi cũng đang vạch ra nhiều định hướng phát triển trong tương lai như cải tạo thuyền của ngư dân làm nơi lưu trú, kêu gọi người dân tự bỏ kinh phí xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ du lịch… Tuy nhiên, để biến du lịch cộng đồng trở thành thế mạnh, cần sự góp tay của các cơ quan chức năng, công ty lữ hành, truyền thông trong việc kết nối tour tuyến, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Hoàng Loan